Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/11/2023: Rộ tin tên lửa đạn đạo tấn công Kiev; EU dự báo xung đột kéo dài

13/11/2023 - 02:09
(Bankviet.com) Một số thông tin tình hình chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/11/2023: Rộ tin tên lửa đạn đạo tấn công Kiev, EU dự báo xung đột kéo dài.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/11/2023: Đức và một số thành viên EU phản đối phân bổ viện trợ cho Kiev Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/10/2023: Ukraine đưa ra cảnh báo về thời điểm khó khăn đang ở trước mắt

Thông tin chiến sự

Giao tranh ác liệt tại Avdiivka. Phát ngôn viên quân đội Ukraine Oleksandr Shtupun cho biết, Nga đang đẩy mạnh các cuộc tiến công xung quanh thành phố Avdiivka, vùng Donetsk. Các cuộc đụng độ liên tục khiến cả hai bên tổn thất nặng nề.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/11/2023: Rộ tin tên lửa đạn đạo tấn công Kiev; EU dự báo xung đột kéo dài
Ảnh minh họa

Kể từ đầu tháng 10, Nga đã tăng cường tập kích tại Avdiivka và các khu vực xung quanh, nhằm cô lập khu vực này. Chiến dịch của Nga được hỗ trợ bởi một lượng lớn xe thiết giáp, pháo kích và không kích.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ukraine đã thông báo thiệt hại của đối phương kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Cụ thể, quân đội nước này đã loại khỏi vòng chiến đấu 5.342 xe tăng, 10.041 xe thiết giáp, 9.925 xe cơ giới, 7.527 khẩu pháo, 879 hệ thống tên lửa, 579 hệ thống phòng không, 322 máy bay, 324 trực thăng, 5.620 máy bay không người lái (UAV), 22 tàu chiến và một tàu ngầm.

Rộ tin tên lửa đạn đạo tấn công Kiev. Theo không quân Ukraine, một tên lửa đạn đạo của Nga đã phóng đến thành phố Kyiv vào sáng 11/11 và bị hệ thống Patriot bắn hạ. Đây là cuộc tấn công tên lửa nhằm vào thủ đô Ukraine lần đầu tiên trong vòng 52 ngày.

Tỉnh trưởng Kiev Ruslan Kravchenko cho biết có 5 ngôi nhà và một số tòa nhà thương mại bị thiệt hại. Không quân Ukraine chưa xác định được tên lửa Nga sử dụng trong vụ tấn công là Iskander hay S-400.

Quân đội Ukraine còn bắn rơi 19 trong số 31 UAV cảm tử của Nga tấn công các khu vực phía nam và phía đông trong vòng 24 giờ.

Một số diễn biến liên quan

EU dự báo xung đột kéo dài. Ông Josep Borrell, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh, dự báo xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài.

“Khả năng Kiev giành được kết quả có lợi ngay lúc này là không cao. Châu Âu có nguồn lực để trợ giúp Ukraine, và nên thay thế vai trò của Mỹ nếu Washington quyết định giảm sự hỗ trợ với Kiev. Bảo đảm an ninh lớn nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho Ukraine là để họ tham gia EU”, ông Borrell nói.

Ukraine gặp khó về gói viện trợ quân sự từ EU. Kế hoạch chi tới 20 tỷ euro (21,4 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine của Liên minh châu Âu dường như đang gặp phải sự phản đối từ một số nước EU và có thể không được thực hiện như đã thông báo trước đó.

Vào tháng 7, Josep Borrell, Cao ủy EU về Chính sách đối ngoại và an ninh, đã đề xuất thành lập một quỹ trị giá 20 tỷ euro để hỗ trợ quân đội Ukraine trong 4 năm tới. Quỹ này dự kiến sẽ giúp Ukraine trang trải chi phí mua các mặt hàng như đạn dược, tên lửa và xe tăng, đồng thời giúp chi trả cho việc huấn luyện binh lính Kiev.

Mặc dù EU đã có những gói hỗ trợ tương tự cho Ukraine thông qua Cơ sở Hòa bình Châu Âu, nhưng nó được cung cấp theo từng đợt có thể bị các quốc gia thành viên riêng lẻ chặn lại. Ngoài ra, các gói này cũng đang nhanh chóng cạn tiền.

Tỷ phú Elon Musk nói về chiến dịch phản công của Ukraine. Tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk góp ý cho Ukraine về chiến dịch phản công chống lại quân đội Nga đã kéo dài hơn 5 tháng qua.

Tỷ phú Musk đã nhận được câu hỏi rằng liệu ông có nghĩ Ukraine nên đàm phán hòa bình với Nga hay không.

Ông Musk không đưa ra câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi này, nhưng nhấn mạnh rằng ông sẽ khuyến nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không nên đưa những công dân trẻ tuổi ra chiến trường vì họ có nguy cơ cao thiệt mạng.

Vị tỷ phú cho rằng, trong cuộc chiến Nga - Ukraine, bất cứ bên nào chủ động tấn công sẽ phải đối mặt với thiệt hại lớn về nhân lực. Theo doanh nhân này, cách tốt nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng ở Ukraine là Kiev và Moscow phải đàm phán.

Hungary đề xuất tạo hệ thống an ninh ở châu Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Tamas Menczer cho hay, Hungary tin rằng nên tạo ra một hệ thống an ninh quốc tế mới ở châu Âu, đáp ứng lợi ích của cả Nga và Ukraine.

“Hungary ủng hộ một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện cũng như chuẩn bị cho một thỏa thuận hòa bình. Chúng tôi cần đàm phán hòa bình và sau đó cần tạo ra một hệ thống an ninh có thể đảm bảo an ninh cho Ukraine và được Nga chấp nhận”, ông Menczer nói.

Đức dự định tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine. Chính phủ Đức dự định tăng viện trợ quân sự cho Ukraine từ 4 tỷ euro lên 8 tỷ euro vào năm 2024.

Theo Bộ Quốc phòng Đức, Bộ Tài chính Đức ban đầu đưa 4 tỷ euro vào ngân sách nhà nước cho năm 2024 để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng toàn bộ số tiền đó đã được dành cho các dự án hiện tại và Bộ Quốc phòng chỉ còn lại 120 triệu euro. Bộ đã yêu cầu thêm 5 tỷ euro và trong tuần này, Nội các đã quyết định phân bổ 4 tỷ euro. Ủy ban Ngân sách dự định xem xét những thay đổi tương ứng vào tuần tới.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng có 2 tỷ euro khác có thể được sử dụng để thực hiện các hợp đồng quốc phòng dài hạn.

Quan chức EU cho phép cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Ông Josep Borrell, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh cho hay, viện trợ của Mỹ cho Ukraine có khả năng giảm nên các nước EU phải chuẩn bị về mặt chính trị để bù đắp.

“Các nước EU phải sẵn sàng về mặt chính trị để tiếp tục hỗ trợ Ukraine và bù đắp cho viện trợ của Mỹ, vốn có thể sẽ bị cắt giảm”. Ông cũng tuyên bố, Liên minh châu Âu đã cung cấp cho Kiev nhiều thứ hơn Mỹ, nhưng “sự đảm bảo an ninh chính phải là việc kết nạp Ukraine vào gia đình châu Âu, mà EU sẽ cần sự thống nhất”.

Bình Nguyên (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương