Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/12/2023: Nga cắm cờ ở thành trì quan trọng của Ukraine

12/12/2023 - 23:10
(Bankviet.com) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/12/2023: Nga cắm cờ ở thành trì quan trọng của Ukraine, tổ chức bầu cử Tổng thống ở các vùng sáp nhập.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 7/12/2023: Ukraine nói đẩy lùi 85 đợt tiến công của Nga Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 10/12/2023: Nga siết vòng vây, Ukraine gặp khó ở Avdiivka Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/12/2023: Ukraine thừa nhận tình hình ở miền đông vẫn khó khăn

Quân đội Nga đang cố gắng tiến về phía Nam và phía Bắc Avdiivka. Tư lệnh Lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết, Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát ngôi làng Synkivka ở Kharkov với hy vọng mở đường cho việc phong tỏa thành phố Kupyansk gần đó.

Đồng thời, ông Syrskyi xác nhận các lực lượng Nga đã chịu tổn thất đáng kể trong các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Synkivka và bắt đầu chuyển các đơn vị tấn công dự bị tới khu vực này.

Theo quan chức Ukraine, Nga cũng đang tái triển khai binh sĩ từ Nga để tăng cường các cuộc tấn công theo hướng Zhytlivka và Terny, hai ngôi làng gần biên giới hành chính giữa Lugansk và Donetsk.

Trước đó, ông Oleksandr Shtupun, phát ngôn viên của nhóm lực lượng Tavria, cho biết quân đội Nga đang cố gắng tiến về phía nam và phía bắc Avdiivka, với sự yểm trợ của xe tăng và xe bọc thép.

Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine vẫn diễn ra ác liệt tại hai miền Đông-Nam

Nga cắm cờ ở thành trì quan trọng của Ukraine. Các lực lượng của Nga đã cắm cờ ở ngoại ô Maryinka - một thị trấn quan trọng thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và là thành trì chính của quân đội Ukraine.

Maryinka nằm trong số những trọng điểm do Ukraine kiểm soát với vị trí gần thành phố Donetsk. Thị trấn này đã chứng kiến giao tranh trong gần 1 thập kỷ giữa lực lượng ly khai ở Donbass với quân đội Ukraine và nay là giữa Moscow với các lực lượng của Kiev.

Một số diễn biến liên quan

Hungary nói không nhượng bộ EU về vấn đề Ukraine. Hungary cho biết sẽ không nhượng bộ trước sức ép từ các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) để bật đèn xanh cho các cuộc đàm phán gia nhập khối với Ukraine.

Trong tuần này, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU sẽ họp thượng đỉnh để quyết định về số phận của khoản viện trợ trị giá 50 tỷ USD đã hứa với Ukraine và mở ra con đường gia nhập liên minh cho nước này. Thỏa thuận về các vấn đề then chốt đòi hỏi sự nhất trí của tất cả các nước thành viên. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đe dọa bác bỏ các cuộc đàm phán về viện trợ và mở rộng EU.

Trước đó, Thủ tướng Orban đã viết thư cho người chủ trì hội nghị - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel để yêu cầu bỏ hoàn toàn các cuộc đàm phán gia nhập khối với Ukraine khỏi chương trình nghị sự.

EU sẽ chuyển 1,5 tỷ euro cho Ukraine trong tháng 12. Bà Ana Pisonero, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, cho biết EU phải chuyển 1,5 tỷ euro cuối cùng cho Kiev vào cuối tháng 12 như một phần của chương trình hỗ trợ ngân sách trị giá 18 tỷ euro hiện tại trong năm nay.

Bà Pisonero nhấn mạnh, đến cuối năm nay, các nước EU phải đồng ý sửa đổi ngân sách dài hạn của EU cho giai đoạn đến năm 2027 để thông qua chương trình hỗ trợ tài chính vĩ mô mới của Ủy ban châu Âu đến năm 2027 với số tiền lên tới 50 tỷ euro.

Nga hé lộ cách kết thúc xung đột. Ông Rodion Miroshnik, quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, phát biểu trên truyền hình rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ kết thúc bằng các cuộc đàm phán với phương Tây.

“Đàm phán chắc chắn sẽ diễn ra, mọi xung đột cần phải kết thúc bằng đàm phán. Rõ ràng, đàm phán sẽ không diễn ra với những con rối”, ông Miroshnik nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh các điều kiện để bắt đầu đàm phán sẽ xuất hiện “khi các nhà bảo trợ kiệt sức, khi những tham vọng chính trị lắng xuống”.

Nga tổ chức bầu cử tổng thống ở các vùng sáp nhập từ Ukraine. Theo truyền thông Nga, nước này sẽ tổ chức bầu cử tổng thống năm 2024 tại 4 vùng sáp nhập từ Ukraine, gồm Lugansk, Donetsk, Zaporizhia, Kherson.

Ủy ban bầu cử trung ương Nga cho biết, bầu cử tổng thống năm 2024 cũng được tiến hành ở 4 vùng sáp nhập từ Ukraine. Các vùng này gồm Lugansk, Donetsk ở miền Đông và Zaporizhia, Kherson ở miền Nam Ukraine.

Việc Nga tổ chức bầu cử tại các vùng này có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị đối với Điện Kremlin, song nó cũng đặt ra những thách thức về hậu cần và an ninh vì quân đội Nga chỉ kiểm soát một phần trong 4 tỉnh này.

Anh chuyển 2 tàu quét thủy lôi cho Ukraine. Anh thông báo nước này sẽ chuyển giao hai tàu quét thủy lôi của Hải quân Hoàng gia Anh cho Hải quân Ukraine.

Chính phủ Anh cho biết thêm, hai tàu quét thủy lôi lớp Sandown nói trên sẽ giúp Ukraine đối phó tốt hơn với mối đe dọa từ thủy lôi của Nga, nhằm khôi phục các tuyến xuất khẩu của Ukraine qua biển Đen.

Việc chuyển giao hai tàu quét thủy lôi được công bố cùng với việc thành lập Liên minh Năng lực Hàng hải do Anh và Na Uy thành lập nhằm giúp hải quân Ukraine tăng cường khả năng để có thể tương thích tốt hơn với các đồng minh phương Tây và tăng cường an ninh ở biển Đen.

Czech cho phép công dân chiến đấu cho Ukraine. Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Czech cho biết, hơn 150 công dân Czech đã được người đứng đầu đất nước phê chuẩn chính thức để chiến đấu cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Theo đó, quyết định của Tổng thống sẽ giúp những người trên tránh gặp phải các vấn đề về luật pháp ở quê nhà sau khi gia nhập Lực lượng vũ trang Ukraine.

Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Czech thông báo, hơn 550 người đã nộp đơn xin phép chiến đấu cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 nhưng hầu hết bị từ chối. Tính đến 1/12, có 151 nam giới và 1 phụ nữ là công dân Cộng hòa Czech chính thức được phép trở thành thành viên của quân đội Ukraine.

Thanh Bình (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương