Theo hãng tin Lenta, Quốc hội Đức (Bundestag) đã bỏ phiếu phản đối đề nghị chuyển giao tên lửa hành trình không đối đất tầm xa Taurus cho Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU).
Trước đó, một nghị quyết với yêu cầu như vậy đã được khối đối lập CDU/CSU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo ở Bavaria) gửi tới chính phủ Đức. Tài liệu đã bị bác bỏ bởi đa số phiếu tại Bundestag (485 nghị sĩ bỏ phiếu chống, 178 phiếu ủng hộ và 3 phiếu trắng).
Theo Spiegel, lý do đề nghị bị bác bỏ là do khối đối lập CDU/CSU không đạt được sự đồng thuận. Ngoài ra, các đại biểu bày tỏ sự không hài lòng với việc sáng kiến này được đưa ra để nghị viện thảo luận về báo cáo thường niên của Ủy viên phụ trách các vấn đề quân đội Liên bang Đức.
Ukraine sẽ không được cung cấp tên lửa Taurus do Quốc hội Đức phản đối. Ảnh: Defense News. |
Ngày 2/1, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky thông báo đã yêu cầu phương Tây cung cấp tên lửa hành trình Taurus của Đức để phá hủy cây cầu Crimea và cô lập bán đảo này khỏi Nga. Theo lời Tổng thống Ukraine, tốc độ thành công của AFU sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự mà Kiev nhận được từ các đối tác phương Tây.
Hai tháng trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba đã gay gắt lên án Berlin vì chưa chấp nhận cung cấp tên lửa Taurus cho AFU.
“Dù sao thì bạn cũng sẽ làm điều đó. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian”, Ngoại trưởng Ukraine nói.
Sau đó, đại biểu Bundestag của một số đảng đã kêu gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chuyển tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine để tấn công các mục tiêu ở Nga. Đại diện Đảng Xanh Sarah Nanni cho biết, các cuộc tấn công sử dụng tên lửa Taurus được cho là sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế. Roderich Kiesewetter, thành viên Quốc hội Đức thuộc CDU, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Theo đó, tên lửa Taurus sẽ giúp Kiev phá hủy cầu Crimea và Hạm đội Biển Đen. Điều này sẽ “buộc Nga phải rời Crimea”.
Thủ hiến bang Bavaria kiêm Chủ tịch CSU Markus Soeder kêu gọi chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine nhằm “ngăn cản” Nga giành chiến thắng. Theo chính trị gia này, đây là “cơ hội nghiêm túc duy nhất để Ukraine lấy lại lòng can đảm”. Ngoài ra, ông Markus Soeder lưu ý rằng Đức và Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với “vấn đề an ninh thực sự” nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột.
Taurus KEPD-350 là tên lửa hành trình không đối đất tầm xa. Nó được thiết kế để tấn công có độ chính xác cao và tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ và nằm sâu dưới lòng đất.
Tên lửa dài 5m được phóng từ máy bay chiến đấu và có thể bay hơn 500km. Tên lửa được dẫn đường bằng cách sử dụng dữ liệu địa hình và so sánh vị trí của nó bằng hình ảnh và cảm biến hồng ngoại cũng như dữ liệu điều hướng vệ tinh GPS. Taurus rất khó bị radar phát hiện nhờ khả năng bay cực thấp dưới 50m, nhưng vẫn duy trì tốc độ bay cận âm.
Khi tấn công mục tiêu, đầu nổ thứ cấp của tên lửa sẽ đục một lỗ trên tường hoặc trần của mục tiêu. Sau đó, một thanh kim loại nặng 400kg chứa đầy chất nổ xuyên lỗ thủng và phát nổ phá hủy mục tiêu
Tên lửa Taurus được sản xuất bởi Taurus Systems GmbH. Đây là liên doanh giữa công ty con của Công ty quốc phòng châu Âu MBDA ở Đức và Saab Dynamics của Thụy Điển. Tổng cộng, kể từ năm 2004, Bundeswehr đã nhận được 600 tên lửa hành trình Taurus KEPD-350, bao gồm nhiều phiên bản khác nhau.
Hệ thống phòng không Nga đã ngăn chặn nhiều đợt tấn công UAV nhằm vào lãnh thổ nước này trong rạng sáng 18/1. Ảnh: RIAN. |
Trong rạng sáng ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Ukraine tấn công vùng Leningrad bằng máy bay không người lái (UAV). Các phương tiện nói trên đã bị hệ thống phòng không Nga ngăn chặn và hiện chưa ghi nhận thương vong trong vụ việc.
Vì vụ tấn công, Sân bay quốc tế Pulkovo ở St. Petersburg đã buộc phải tạm hoãn các chuyến bay. Hiện tại, hoạt động tại sân bay đã được khôi phục bình thường.
Cùng thời điểm, nhiều UAV đã bị bắn hạ ở quận nội thành Podolsk của Thủ đô Moscow. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết, nhiều UAV của Ukraine đang hướng về thành phố và các cơ quan khẩn cấp đã sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Kim Ngân