Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 19/11/2023: Nga tuyên bố hạ gần 4.000 lính Ukraine trong tuần

20/11/2023 - 20:09
(Bankviet.com) Thông tin tình hình chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 19/11/2023:Nga tuyên bố hạ gần 4.000 lính Ukraine trong tuần; tình hình tại tiền tuyến tiếp tục căng thẳng
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/11/2023: NATO thừa nhận tình hình chiến trường phức tạp hơn dự kiến Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 18/11/2023: Ukraine tăng ngân sách cho công nghiệp quốc phòng

Thông tin chiến sự

Nga tuyên bố hạ gần 4.000 lính Ukraine trong tuần. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong tuần qua, quân đội nước này đã tấn công, gây nhiều thiệt hại về nhân lực, khí tài cho các đơn vị đối phương trong chiến sự Nga - Ukraine.

Cụ thể, tuần qua quân Nga đã loại khỏi vòng chiến gần 4.000 binh sĩ Ukraine, quét sạch 4 đơn vị tác chiến điện tử, bắn hạ 3 máy bay chiến đấu MiG-29 và 198 UAV, thành công đánh chặn 22 quả hỏa tiễn được phóng từ hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS và 2 quả bom dẫn đường JDAM.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 19/11/2023: Nga tuyên bố hạ gần 4.000 lính Ukraine trong tuần

Tình hình tại tiền tuyến tiếp tục căng thẳng. Bộ Quốc phòng Anh đã đưa ra báo cáo về tình hình tại 3 khu vực giao tranh khốc liệt nhất tại Ukraine là Avdiivka, Kupiansk và Luhansk.

“Trong tuần qua, các cuộc đụng độ đã liên tiếp nổ ra tại Kupiansk, các khu định cư ở vùng Luhansk, thành phố Avdiivka ở Donetsk, và tả ngạn sông Dnipro. Nga tiếp tục hứng chịu tổn thất nặng nề xung quanh Avdiivka, nhưng không bên nào thực sự giành được lợi thế tại các khu vực này”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Cũng theo báo cáo nêu trên, UAV cảm tử và bom chùm là nguyên nhân chính khiến các nỗ lực tiến công của cả Nga và Ukraine bị đình trệ.

Ukraine nói phá hủy hàng chục UAV Nga. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, quân Nga điều 38 UAV Shahed-136/131 tấn công các đơn vị Ukraine, trong số đó lực lượng phòng không Kiev đã bắn hạ được 29 chiếc.

Ngoài ra, lực lượng 2 bên có 80 trận giao tranh khắp chiến tuyến. Các đợt tấn công gây nhiều thương vong dân sự, làm hư hại nhiều nhà dân và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo Bộ Tổng tham mưu, quân đội Nga đã dồn hỏa lực tấn công các đơn vị Ukraine theo 7 hướng chính, gồm các thành phố Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Marinka, Shakhtarske (cùng thuộc tỉnh Donetsk), tỉnh Kherson và tỉnh Zaporizhia.

Một số diễn biến liên quan

Ukraine và Đức đàm phán đảm bảo an ninh. Đức và Ukraine đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về bảo đảm an ninh song phương trong ngày 18/11. Tại cuộc đàm phán, phái đoàn hai nước đã trao đổi về hình thức và nội dung của các phương án đảm bảo an ninh trong tương lai, đồng thời nhất trí về một loạt các bước tiếp theo.

“Đức là một trong những quốc gia viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo lớn nhất với Ukraine. Vì lẽ đó, việc đàm phán an ninh song phương với Đức có ý nghĩa quan trọng”, ông Ihor Zhovkva, người dẫn đầu phái đoàn Ukraine cho biết.

Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận rằng, Kiev cũng đã bắt đầu đàm phán đảm bảo an ninh với 5 thành viên khác của G7.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Moscow và Kiev đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. “Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực phòng thủ của Ukraine cho tới khi còn cần thiết”, Thủ tướng Scholz nói thêm.

Ukraine nêu lý do phản đối “đóng băng” xung đột. Tổng thống Zelensky nói rằng, thế hệ tiếp theo ở nước này có thể sẽ phải chiến đấu nếu xung đột giữa Ukraine với Nga bị đóng băng ở giai đoạn hiện tại. Ông Zelensky cũng cho biết Chính phủ Ukraine đang nỗ lực ngăn chặn kịch bản như vậy.

Bình luận mới nhất của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau khi Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, thừa nhận rằng Kiev và Moscow đang rơi vào bế tắc trên chiến trường, dường như không bên nào có đủ khả năng để tiến hành một cuộc tấn công quyết định.

Khi được hỏi về triển vọng của cuộc xung đột, ông Zelensky nhấn mạnh rằng “nếu xảy ra bế tắc và xung đột đóng băng, chúng tôi phải thành thật mà nói rằng con cháu chúng tôi sẽ phải tiếp tục chiến đấu - điều mà Kiev muốn tránh”.

Ukraine nói phương Tây viện trợ vũ khí chậm hơn kỳ vọng. Ông Mikhail Podoliak, trợ lý của Tổng thống Ukraine, tiết lộ rằng tốc độ chuyển giao vũ khí của phương Tây đang chậm hơn so với kỳ vọng rất nhiều. Điều này sẽ cho phép Nga có đủ thời gian để chuẩn bị và họ sẽ có khả năng phòng thủ tốt hơn khi vũ khí được giao tới cho Ukraine.

“Rất nhiều loại vũ khí được phương Tây hứa hẹn sẽ bàn giao trong 7-10 ngày. Tuy vậy, quá trình vận chuyển thực tế mất từ 90-120 ngày”, ông Podoliak nói.

Ngoài ra, ông Podoliak cũng thừa nhận rằng chiến dịch phản công của Ukraine “đang không diễn ra ở tốc độ mà Kiev mong muốn”.

Các quan chức phương Tây mới đây đã tiết lộ rằng, chưa hệ thống vũ khí nào chuyển tới Ukraine có thể tạo ra khác biệt mang tính chiến lược trên tiền tuyến. Trong khi đó, tốc độ sản xuất vũ khí của phương Tây chưa thể sánh kịp với Nga.

Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh trừng phạt 106 cá nhân và 37 pháp nhân của Nga. Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người Nga, bao gồm 108 cá nhân, trong đó 106 người mang quốc tịch Nga và 37 tổ chức từ Nga, chủ yếu là các quỹ từ thiện.

Theo đó, danh sách trừng phạt cá nhân đặc biệt bao gồm người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) Leonid Pasechnik, người đứng đầu Cộng hòa Crimea Sergei Aksenov, một số cựu quan chức Ukraine, bao gồm cả cựu Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục... Hầu hết những người phải chịu các lệnh trừng phạt mới đều có tên trong danh sách trừng phạt trước đây của Ukraine.

37 pháp nhân Nga có tên trong danh sách trừng phạt lần này hầu hết là các quỹ từ thiện. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong thời hạn 5 năm và 10 năm, đặc biệt liên quan đến việc tịch thu và phong tỏa tài sản, cấm tham gia tư nhân hóa và rút tài sản khỏi lãnh thổ Ukraine.

Bình Nguyên (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương