Theo thông tin từ các trang Telegram theo dõi chiến sự tại Ukraine, Quân đội Nga vừa bắn hạ thêm một xe tăng M1 Abrams của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU).
Theo đó, chiếc xe tăng Abrams nói trên đã bị phá hủy ở làng Berdychi, gần Avdeeska.
“Đầu tiên, chiếc xe tăng bị vô hiệu hóa bằng súng phóng lựu. Sau đó, các UAV tự sát của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 30 từ Samara đã kết liễu nó”, hãng tin Lenta của Nga đăng tải.
Đây là chiếc xe Abrams thứ hai bị tiêu diệt được ghi lại trên thực địa. Tuy nhiên, theo thông tin từ tiền tuyến, con số xe tăng Mỹ bị bắn hạ còn cao hơn nhiều.
Chiến sự tại mặt trận Nam Donetsk đang nóng với ưu thế thuộc về Nga, sau chiến thắng tại Avdeevka. Ảnh: Getty |
Đầu tháng 3/2024, thông tin chi tiết về vụ phá hủy xe tăng Abrams đầu tiên ở Quân khu phía Bắc đã được công khai. Chỉ huy nhóm xung kích Kolovrat cho biết, chiếc Abrams đầu tiên đã bị tiêu diệt sau hai đợt tấn công. “Chúng tôi đã ngăn chặn nó bằng chiếc máy bay không người lái trước tiên, kíp điều khiển sau đó đã bỏ xe. Chúng tôi tiêp tục tấn công xe tăng bằng chiếc UAV thứ hai, đánh vào thùng chứa đạn phía sau tháp pháo. Chiếc xe bốc cháy và bị thiêu rụi. Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi phương tiện của AFU, hơn là kíp lái”.
Ngày 27/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo xe tăng Abrams của Mỹ đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh trên hướng Avdeevka.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong đêm ngày 3/3 hệ thống phòng không tại Bán đảo Crimea đã phá hủy 38 máy bay không người lái của AFU xâm phạm không phận.
Trước đó, kênh Telegram Shot đã thông báo về một số vụ nổ ở Feodosia, Crimea. Cụ thể, một số tiếng nổ lớn được nghe thấy vào lúc 3 giờ sáng và một số vụ nổ khác được nghe thấy sau đó.
Sau khi có báo cáo về vụ nổ, giao thông qua cầu Crimea tạm thời bị gián đoạn. Những người lái xe trên cầu và trong khu vực kiểm tra vào thời điểm đó được lực lượng chức năng yêu cầu giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của nhân viên an ninh giao thông. Giao thông qua cầu Crimea sau đó được nối lại.
Liên quan tới cuộc xung đột, tờ The Times của Anh nhận định tình báo Nga có thể theo dõi quá trình vận chuyển tên lửa SCALP và Storm Shadow của phương Tây tới Ukraine nhờ thông tin được biết đến sau cuộc trò chuyện giữa các sĩ quan Đức được đăng trên các phương tiện truyền thông.
Cụ thể, Tư lệnh Không quân Đức, trong một cuộc trò chuyện bị chặn, đã tiết lộ các hoạt động bí mật của Anh ở Ukraine, đồng thời thảo luận về phương pháp đưa tên lửa hành trình tới Kiev.
Từ bản ghi của cuộc trò chuyện, Pháp đang gửi tên lửa SCALP trên những chiếc crossover Audi Q7, trong khi người Anh sử dụng xe bọc thép Ridgeback để vận chuyển tên lửa Storm Shadow.
“Thông tin này sẽ giúp tình báo Nga theo dõi, xác định vị trí của chúng và có khả năng nhắm mục tiêu vào những phương tiện như vậy ở châu Âu và Ukraine”, tờ Times đăng tải.
Các tác giả của bài báo tin rằng Anh và các thành viên NATO khác nên hết sức cảnh giác trước hành vi vi phạm an ninh thông tin dẫn đến việc tiết lộ những dữ liệu nhạy cảm như vậy.
Ngày 1/3, tổng biên tập kênh truyền hình RT, Margarita Simonyan đã công bố bản ghi âm lại cuộc trò chuyện giữa các sĩ quan cấp cao của Quân đội Đức về việc tấn công cầu Crimea sử dụng tên lửa hành trình Taurus của Đức và máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp.
Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố không bình luận về các ấn phẩm truyền thông. Tuy nhiên, sau đó cơ quan phản gián Đức bắt đầu kiểm tra khả năng rò rỉ cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo quân đội Đức liên quan tới vụ việc.
Tờ Bild của Đức đăng tải, có nhiều yếu tố cho thấy rằng đoạn ghi âm cuộc trò chuyện của các sĩ quan liên quan đến vụ tấn công cầu Crimea là có thật. Còn tờ Der Spiegel viết, Bộ Quốc phòng Đức cho rằng bản ghi âm là sự thật. Tờ Berliner Zeitung viết rằng vài phút sau khi tệp được tải xuống, người ta thấy rõ rằng đó không phải là sản phẩm giả mạo hay do trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Ukraine đang tiếp tục tập kích Bán đảo Crimea và cầu Kerch. Ảnh: Lenta |
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hứa sẽ điều tra cụ thể về vụ rò rỉ cuộc trò chuyện giữa các sĩ quan Đức. Trả lời câu hỏi về thiệt hại có thể xảy ra đối với chính sách đối ngoại của Đức do vụ việc, ông Olaf Scholz nói rằng những gì đã xảy ra là “một vấn đề rất nghiêm trọng”.
Tờ The Wall Street Journal nhận định, mối quan hệ giữa Đức và NATO có thể trở nên tồi tệ hơn sau vụ việc lộ thông tin mật quân sự nêu trên.
Các nguồn tin của ấn phẩm Frankfurter Allgemeine Zeitung cho biết, Thủ tướng Olaf Scholz không thay đổi quan điểm của mình về việc cung cấp Taurus cho Kiev nhưng vẫn cung cấp các loại vũ khí thông thường cho AFU.
Thủ tướng Đức sau đó tuyên bố từ chối gửi quân NATO tới Ukraine vì Đức không muốn xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO. Ông coi việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine là chìa khóa để khôi phục hòa bình ở châu Âu.
Kim Ngân