Trao đổi với hãng tin Lenta của Nga, nhà khoa học chính trị người Mỹ Malek Dudkov cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục phân bổ kinh phí cho Ukraine, nhưng với số lượng nhỏ hơn nhiều so với mức cần thiết của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU). Do đó, Kiev chắc chắc sẽ phải đối mặt với việc thiếu tài chính và đạn dược trong tương lai gần.
“Tất cả các đợt viện trợ mới nhất chỉ có giá trị vài chục hoặc vài trăm triệu USD. Các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã buộc phải cắt giảm viện trợ do Quốc hội không phân bổ các đợt viện trợ mới”, chuyên gia Malek Dudkov cho biết.
Ukraine đang phụ thuộc rất lớn vào các nguồn viện trợ tài chính và quân sự từ Mỹ và phương Tây. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ông Malek Dudkov lưu ý rằng Mỹ sẽ không cắt viện trợ hoàn toàn dành cho Ukraine: “Một số khoản viện trợ có thể tiếp tục trong một thời gian”.
“Ngay cả khi Quốc hội không đồng ý về ngân sách mới của Ukraine, Lầu Năm Góc vẫn có thể cung cấp thứ gì đó từ nguồn dự trữ của mình. Vì vậy, bạn không nên mong đợi rằng tất cả các đợt sẽ dừng lại hoàn toàn. Nhưng tất nhiên, khối lượng của chúng sẽ rất nhỏ”, ông Malek Dudkov giải thích.
Theo đó thỏa thuận về các đợt cung cấp mới cho Ukraine sẽ chỉ diễn ra sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2024
“Sự chia rẽ giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ngày càng gia tăng, nên khó có khả năng nhanh chóng đạt được đồng thuận về việc phân bổ kinh phí viện trợ cho Ukraine. Đối với Ukraine điều này sẽ có nghĩa là nhiều hậu quả tiêu cực. Tất nhiên, chúng sẽ không chấm dứt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine. Các gói viện trợ mới sẽ vẫn được cung cấp với số lượng nhỏ từ Mỹ và châu Âu, nhưng ít hơn nhiều so với nhu cầu của Ukraine,” ông Malek Dudkov kết luận.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, Chris Murphy cho rằng Mỹ sắp bỏ rơi Ukraine. Cùng với đó, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell kêu gọi các thượng nghị sĩ bỏ phiếu phản đối việc cung cấp viện trợ cho Kiev.
Còn theo hãng tin Reuters của Anh, Ukraine đang yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí mới ngoài danh sách đã được phê duyệt trước đó.
Cụ thể, Kiev mong muốn được cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, máy bay F/A-18 Hornet, trực thăng AH-64 Apache và Black Hawk, máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster và C-130 Super Hercules và máy bay không người lái MQ-9B.
Dan sách này đã được phía Ukraine bàn giao cho Mỹ trong Mỹ trong một hội nghị kín ở Washington diễn ra ngày 6/12. Ngoài ra, trong danh sách còn có các loại vũ khí mà Ukraine yêu cầu trước đây như xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16, hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS.
Tối ngày 6/12, Thượng viện Mỹ đã không thể tổ chức bỏ phiếu thủ tục về việc phân bổ gói viện trợ trị giá 106 tỷ USD, trong đó 61 tỷ dành cho Ukraine.
Liên quan tới tình hình chiến trường, trả lời tờ Ura.ru, nhà phân tích quân sự, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Quân sự Vladimir Prokhvatilov đánh giá, Quân đội Nga cần tiếp tục tiến quân khi nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ và phương Tây đang bị gián đoạn; và thế chủ động chiến lược đang đứng về phía Moscow.
Theo đó, quân đội Nga phải ngăn chặn Ukraine khôi phục sức mạnh quân sự sau những tổn thất nặng nề về người và trang bị trong cuộc phản công mùa hè. Nhà phân tích Vladimir Prokhvatilov cho biết: “Trong mọi trường hợp, không nên để Ukraine có thể khôi phục sức mạnh quân sự tương đương cường quốc cấp trung bình”.
Ukraine đang muốn mở rộng danh sách viện trợ vũ khí từ Mỹ. Ảnh: Defense News. |
Một trong những ưu tiên của Quân đội Nga là tiếp tục phá hủy năng lực công nghiệp quốc phòng của Ukraine, đặc biệt là các nhà máy sản xuất đạn dược và duy trì áp lực liên tục ở tiền tuyến.
“Các cuộc tấn công của chúng tôi ở Ukraine hiện tập trung chủ yếu xung quanh Avdiivka sẽ tiếp tục. Tôi hy vọng việc này sẽ được thực hiện một cách thận trọng và có chiến thuật phù hợp để không rơi vào sai lầm tương tự mà Ukraine đã gặp phải khi tiến hành cuộc phản công bất thành”, chuyên gia Vladimir Prokhvatilov kết luận.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột Ukraine là điều đã được nhìn thấy.
Kim Ngân