Theo kỳ vọng của các thành viên thị trường chứng khoán Mỹ cách đây mới chỉ hai tháng, tuần này sẽ là đã là tuần Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định hạ lãi suất cơ bản đồng USD sau khi đã nâng lãi suất này lên ngưỡng cao nhất trong 23 năm.
Tuy nhiên số liệu lạm phát gây thất vọng khiến cho nhà đầu tư phải băn khoăn và nếu như số liệu kinh tế vẫn cho thấy các dấu hiệu tương tự, FED có thể lùi quyết định hạ lãi suất sang đến mùa thu năm nay ngay cả khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Hiện tại, vẫn có không ít nhà đầu tư tin rằng quyết định hạ lãi suất đầu tiên sẽ được đưa ra vào tháng 6/2024. Một số nhà đầu tư khác lại tin điều đó sẽ diễn ra vào tháng 7/2024. Các quan chức FED cũng đã nói họ sẽ bắt đầu hạ lãi suất khi nào họ cảm thấy đủ tự tin rằng lạm phát đã thuộc tầm kiểm soát.
FED đồng thời cũng có thể hạ lãi suất trong trường hợp nền kinh tế bất ngờ yếu đi, đẩy tăng thất nghiệp nhanh chóng. Đồng thời các quan chức FED cũng đã nói họ sẽ không chờ cho đến khi lạm phát về mức mục tiêu 2% của FED.
Ở hiên tại, việc chi phí nhà cửa và dịch vụ bất ngờ tăng đang khiến cho FED rơi vào trạng thái chờ đợi.
Số liệu từ lĩnh vực tư nhân cho thấy chi phí thuê nhà giảm nhẹ trong năm vừa qua, thế nhưng nó chưa thực sự được thể hiện trong diễn biến chỉ số lạm phát. Các chỉ số này vẫn chịu ảnh hưởng bởi chi phí lưu trú cao cũng như giá khí đốt tăng mạnh, theo chỉ số giá tiêu dùng công bố gần nhất.
Có nhiều yếu tố dẫn đến điều này ví như việc kinh tế bất ngờ tăng trưởng mạnh tạo ra áp lực lên giá cả, giá cả vì vậy không ngừng tăng.
Hiện chưa thể dự báo được tình hình kinh tế Mỹ sẽ ra sao trong tháng 6/2024 hay cả tháng 9/2024 cũng vậy. Diễn biến của lạm phát sẽ có thể khiến cho FED gặp khó, nhưng ngay cả như vậy, các chuyên gia tin rằng FED sẽ vẫn phải hạ lãi suất trong mùa thu năm nay, hoặc muộn nhất là trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khởi động ngày 5/11/2024.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức Nationwide, bà Kathy Bostjancic, phân tích: “FED nhiều khả năng cũng không phải một tổ chức không chịu ảnh hưởng bởi chính trị. Họ ở Washington, chính vì vậy họ cũng sẽ chịu tác động bởi các cuộc đối thoại liên quan đến cuộc bầu cử ở mức độ nào đấy. Và ở thời điểm đó, họ cũng sẽ có đủ lý do cần thiết để làm việc này”.
Dù vậy, theo quan điểm của nhiều chuyên gia khác, cho đến nay, dựa trên những khẳng định trước công chúng, Chủ tịch FED Jerome Powell vẫn là một người ủng hộ cách tiếp cận phi chính trị trong các quyết định chính sách, Chủ tịch FED từ chối áp lực từ Quốc hội Mỹ nhiều lần, ví như vào năm ngoái khi mà nợ chính phủ Mỹ vượt trần và nước Mỹ đối diện với khả năng vỡ nợ.
Vào tháng trước, Chủ tịch FED nói: “Chúng tôi không nghĩ đến vấn đề chính trị. Chúng tôi nghĩ đến điều gì tốt cho nền kinh tế”. Nghiên cứu về hành vi của FED trong các cuộc bầu cử Mỹ công bố năm 1987 của nhà khoa học chính trị Nathaniel Beck cho thấy FED thường không thay đổi quyết định chính sách nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực tái tranh cử và rằng chính sách tiền tệ trước thềm cuộc bầu cử chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố tương tự như các khoảng thời gian khác.
“Trong năm bầu cử, sẽ thật khó để có thể lờ đi những gì đang diễn ra, tuy nhiên việc họ bắt buộc phải làm chính là tập trung vào dữ liệu kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức tại tổ chức Morning Consult – bà Kayla Bruun phân tích.
Đăng Tuấn