Vì sao chính sách tiền tệ có thể kiểm soát lạm phát?
Chính sách tiền tệ (CSTT) tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc phân bổ nguồn tiền, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, để đảm bảo ổn định kinh tế, ổn định xã hội, tạo tiền đề cho kinh tế hồi phục sau dịch bệnh, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có CSTT. Theo đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ của mình kiểm soát và điều tiết lượng tiền cung ứng hoặc lãi suất nhằm đạt được các mục tiêu cuối cùng về ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế hay công ăn việc làm.
Mục tiêu của CSTT
CSTT nhằm vào hai mục tiêu là lãi suất và lượng cung tiền, tuy nhiên thường không thể thực hiện đồng thời hai mục tiêu này. Chỉ để điều tiết chu kỳ kinh tế ở tình trạng bình thường, thì mục tiêu lãi suất được lựa chọn. Còn khi kinh tế quá nóng hay kinh tế quá lạnh, CSTT sẽ nhằm vào mục tiêu trực tiếp hơn, đó là lượng cung tiền. Tùy theo mục tiêu, NHNN có thể sử dụng CSTT mở rộng hoặc CSTT thu hẹp. Chính sách mở rộng là tăng cung tiền lên hơn mức bình thường và ngược lại là CSTT thắt chặt.
Lạm phát và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông thường NHNN cần thực hiện CSTT nới lỏng, hạ thấp lãi suất chủ đạo, mở rộng cung ứng tiền cho nền kinh tế, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Song bên cạnh việc kinh tế tăng trưởng thì lạm phát có thể tăng cao.
Các công cụ của CSTT
- Công cụ tái cấp vốn: là hình thức cấp tín dụng của NHNN đối với các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tăng lượng tiền cung ứng đồng thời khai thông khả năng thanh toán của họ.
- Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc: là tỷ lệ giữa số lượng phương tiện cần vô hiệu hóa trên tổng số tiền gửi huy động, nhằm điều chỉnh khả năng thanh toán (cho vay) của các NHTM.
- Công cụ nghiệp vụ thị trường mở: là hoạt động NHNN mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến khối lượng dự trữ của các NHTM, từ đó tác động đến khả năng cung ứng tín dụng của các NHTM và làm tăng hay giảm khối lượng tiền tệ trong lưu thông.
- Công cụ lãi suất tín dụng: đây được xem là công cụ gián tiếp trong thực hiện CSTT bởi vì sự thay đổi lãi suất không trực tiếp làm tăng thêm hay giảm bớt lượng tiền trong lưu thông, mà có thể làm kích thích hay kìm hãm sản xuất. Nó là 1 công cụ rất lợi hại. Cơ chế điều hành lãi suất được hiểu là tổng thể những chủ trương chính sách và giải pháp cụ thể của NHNN nhằm điều tiết lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng trong từng thời kỳ nhất định.
- Công cụ hạn mức tín dụng: là một công cụ can thiệp trực tiếp mang tính hành chính của NHTW để khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của các NHTM. Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa mà NHTW buộc các NHTM phải chấp hành khi cấp tín dụng cho nền kinh tế.
- Tỷ giá hối đoái: Chính sách tỷ giá tác động một cách nhạy bén đến tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng tài chính, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, thu hút vốn đầu tư, dự trữ của đất nước. Về thực chất tỷ giá không phải là công cụ của CSTT vì tỷ giá không làm thay đổi lượng tiền tệ trong lưu thông. Tuy nhiên ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi coi tỷ giá là công cụ hỗ trợ quan trọng cho CSTT.
Tác động của CSTT đến nền kinh tế
- Giảm tỷ lệ thất nghiệp: CSTT nới lỏng sẽ giúp gia tăng nhu cầu trong nền kinh tế từ đó các doanh nghiệp (DN) sẽ đẩy mạnh sản xuất và cần nhiều nhân lực hơn. Kết quả tác động tới tỷ lệ thất nghiệp.
- Kiểm soát lạm phát: CSTT thắt chặt là một công cụ giúp chính phủ giảm giá cả hàng hoá khi lạm phát tăng quá mạnh.
- Đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP: Việc đưa ra các CSTT phù hợp sẽ đảm bảo tăng trưởng GDP của quốc gia.
Khi nào CSTT kém hiệu quả?
Khi đầu tư tư nhân không nhạy cảm với lãi suất. Trường hợp lãi suất tăng, chi phí (vốn) đầu vào của DN tăng lên làm cho giá hàng hoá đầu ra tiếp tục tăng cao, lạm phát không được kiểm soát, do vậy CSTT sẽ kém hiệu quả; CSTT cũng sẽ kém hiệu quả nếu chính sách tài khóa không được triển khai đồng bộ. Chẳng hạn, khi ngân hàng trung ương kiểm soát lạm phát bằng việc sử dụng CSTT thắt chặt nhưng trước áp lực bù đắp thâm hụt ngân sách, chính phủ có thể in thêm tiền. Điều đó sẽ gây tác động ngược chiều với CSTT thắt chặt; Việc sử dụng CSTT mở rộng có thể khiến lãi suất xuống mức quá thấp, điều này làm cho các cá nhân không muốn gửi tiền vào ngân hàng, dẫn đến hệ thống NHTM sẽ thiếu vốn cho vay và điều này sẽ tác động đến việc đầu tư tư nhân không thể mở rộng, làm giảm hiệu quả của CSTT.
Thực trạng thực hiện CSTT ở Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2022
Tình hình kinh tế và nguyên nhân gây ra lạm phát trên thế giới
Trong thời kỳ này, kinh tế Việt Nam cũng đã chịu tác động tiêu cực cả về cung và cầu do kinh tế thế giới diễn biến bất thường, năng suất lao động giảm dần, thiên tai và dịch bệnh ngày càng trầm trọng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và nhiều nền kinh tế chủ chốt khác gia tăng, trào lưu chủ nghĩa dân túy cùng với những thay đổi về chính sách thương mại và hàng loạt vấn đề khác. Đặc biệt là cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng và tàn phá hầu hết các nước trên thế giới.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các DN Việt Nam: Nhiều DN bị đóng cửa do bị cách ly/phong tỏa; bị gián đoạn sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, vận chuyển; thiếu lao động trầm trọng…dẫn đến không có nguồn thu từ sản xuất kinh doanh, không có dòng tiền để trả nợ ngân hàng.
Trong lĩnh vực tài chính, thị trường thế giới diễn biến bất thường và đảo chiều nhanh chóng trong 2 năm 2020-2021. CSTT nới lỏng tiếp tục chi phối Ngân hàng trung ương các nước, buộc các Ngân hàng trung ương phải chủ động có giải pháp phù hợp để thích ứng với những thay đổi này. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức cắt giảm khá lớn so với nhiều năm qua (tổng mức giảm từ 1,5 - 2%/năm). Việc cắt giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN đã phát tín hiệu mạnh mẽ và nhất quán về chủ trương tiếp tục giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các NHTM thực hiện các giải pháp để hỗ trợ các DN vượt qua đại dịch như: gia hạn nợ/điều chỉnh kỳ hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm phí/lãi vay….Có thể thấy tình hình lãi suất cho vay trước và sau dịch COVID-19 đã thay đổi mạnh, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn (giảm từ 6-9% năm 2019 xuống 4,4-7% năm 2021). Các giải pháp CSTT đồng bộ và linh hoạt đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Đồng thời với chính sách lãi suất, từ đầu năm 2020, NHNN đã điều hành tỉ giá linh hoạt, chủ động, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý, truyền thông, điều chỉnh giảm tỉ giá bán can thiệp và sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Nhờ đó, về cơ bản, tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định, cân đối cung cầu tiếp tục thuận lợi, thanh khoản thông suốt, VND ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại.
Kết quả là, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thành công trong việc đối phó với đại dịch và duy trì được tốc độ tăng trưởng dương với GDP năm 2020 tăng 2,91%, năm 2021 là 2,58%, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra (<4%) và các hoạt động kinh tế nhìn chung ổn định.
Tuy nhiên, sang năm 2022, khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc thì căng thẳng giữa Nga và Ukraine xảy ra và kéo dài nhiều tháng nay dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng và lương thực tăng cao…là nguyên nhân dẫn đến lạm phát chi phí đẩy trên toàn cầu (như tại châu Âu lạm phát hiện lên tới 2 con số). Để đối phó với tình hình lạm phát tăng cao, Ngân hàng Trung ương các nước thực hiện CSTT thắt chặt, đến nay các Ngân hàng Trung ương châu Âu đã liên tục nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất (ngày 27/10/2022 tăng lãi suất lần 3 lên mức 1,5% cao chưa từng thấy kể từ năm 2009); Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đến 3/11/2022 đã 6 lần tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 3,75-4%, mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Tác động của cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay đến Việt Nam:
- Gía đầu vào của nhiều DN tăng, nhất là các DN có đầu vào nhập khẩu, dùng nhiều năng lượng như: dệt may, da giày, cơ điện, công nghiệp nặng, vận tải…
- Gía xăng dầu tăng dẫn đến chi phí sinh hoạt, đi lại… của người dân cũng tăng theo
- Việt Nam là nước nhập siêu nên khi lạm phát các nước tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các DN nhập khẩu.
NHNN đã thực hiện CSTT như thế nào trước tình hình trên?
NHNN đã định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2022: “Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước”.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, trước những biến động bất thường của thế giới, ngay khi xuất hiện dấu hiệu lạm phát cao ở Mỹ và các nước Châu Âu, NHNN đã kịp thời điều chỉnh CSTT để thích ứng với những biến động đó. NHNN đã nâng lãi suất điều hành lên 2% trong tháng 9 và tháng 10 (xem bảng), theo đó các NHTM đã kịp thời tăng lãi suất huy động để hút tiền vào ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát có dấu hiệu gia tăng.
Lãi suất (LS) điều hành của NHNN và LS huy động từ 2019-2022
Năm |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
||
Qúy 1,2 |
Tháng 9 |
Tháng10-11 |
||||
Lạm phát |
2,79% |
2,31% |
1,84% |
2,73% |
||
Tăng trưởng GDP |
7.02% |
2,91% |
2,58% |
D.kiến 7,5% |
||
LS huy động
|
5,5-7% |
0,2% < 4% 4,2-6% |
0,2% < 4% 4-6% |
0,2% <4% 4-6% |
0,5% <5% 6-8% |
1% <6% 7-10% |
LS điều hành của NHNN
|
4,6-5,7% 4% 2,5% |
6% 5% 3,5% |
7% 6% 4,5% |
Nguồn: Tổng Cục Thống kê, NHNN và tính toán của tác giả.
Về chính sách tỷ giá: NHNN đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá từ 2% lên 5% hỗ trợ nhu cầu ngoại tệ, ổn định sản xuất kinh doanh của các DN.
Về chính sách tín dụng: Thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các NHTM để kiểm soát lượng cung tiền vào nền kinh tế, định hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực/dự án trọng điểm, ưu tiên của Chính phủ; hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả.
Kết quả CSTT chủ động, linh hoạt đã góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, đóng góp lớn vào thành tựu chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của cả nước mà Đảng và Quốc hội đề ra, lạm phát vẫn trong giới hạn mục tiêu (<4%) và tăng trưởng kinh tế năm 2022 lên đến 8,02%.
Những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên:
- Do Việt Nam đã thực hiện tiêm vacxin phòng COVID-19 cho toàn dân với tỷ lệ mũi 2 và 3 rất cao nên đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa sớm hơn nhiều nước. Đồng thời, sau một thời gian dài dịch bệnh, khi Việt Nam mở cửa thì nhu cầu tiêu dùng của người dân bùng nổ, kích thích kinh tế phát triển.
- Trung Quốc (là thị trường lớn cung cấp đầu vào cho toàn thế giới) thực hiện chính sách Zero COVID nên đã giảm lượng cung ra thị trường, đó cũng chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông lâm ngư nghiệp…
- Đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) vẫn tiếp tục vào Việt Nam do Việt Nam có tình hình chính trị, kinh tế ổn định.
- Việt Nam đã thực hiện CSTT, tài khóa linh hoạt và hiệu quả để đảm bảo kiểm soát lạm phát và vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế.
Bài học kinh nghiệm về điều hành CSTT của NHNN thời gian qua
Một là, sự thành công của CSTT là tính linh hoạt, chủ động, phù hợp và tôn trọng nguyên tắc thị trường trong quá trình thực hiện mục tiêu kép: ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, về bản chất các yếu tố lãi suất, tỷ giá, giá vàng.. là các yếu tố thị trường, các yếu tố giá cả, chịu tác động bởi các quy luật kinh tế khách quan. Song NHNN trong suốt thời gian qua đã vận dụng và điều hành các yếu tố này theo định hướng đã đề ra để đạt được các mục tiêu của CSTT.
Hai là, tính kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các quy định của NHNN, của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Trong đó, việc thực hiện các quy định, các chỉ tiêu mang tính định hướng cần phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ mới đảm bảo CSTT phát huy nhanh, hiệu lực và có hiệu quả, minh bạch và công bằng, nhất là các quy định về lãi suất, tỷ giá, tín dụng.
Ba là, cần tổ chức tốt triển khai thực hiện theo mục tiêu của CSTT trong từng giai đoạn. Các cơ quan, đơn vị thuộc NHNN và các NHTM phải thường xuyên bám sát thực tiễn; theo dõi, nắm bắt, đánh giá kết quả và những khó khăn vướng mắc, tồn tại hạn chế của cơ chế chính sách... từ đó tiếp tục điều chỉnh chính sách cho phù hợp, hợp lý, mới đảm bảo cơ chế chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả.
Bốn là, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bên cạnh CSTT, phối hợp hài hòa giữa CSTT và chính sách tài khóa. Chẳng hạn, để kiềm chế lạm phát thì NHNN thực hiện CSTT thắt chặt, cùng lúc chính sách tài khóa cũng được yêu cầu thực hiện theo hướng thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi Ngân sách Nhà nước; giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của các DN, nhất là vay ngắn hạn...
Thách thức đối với điều hành CSTT trong thời gian tới
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế thì khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay cơ bản đến giữa năm 2023 nên áp lực tăng lạm phát vẫn gia tăng với Việt Nam.
Khác với các đợt trước đây lạm phát xuất phát từ nội tại nền kinh tế, đợt này lạm phát đến từ bên ngoài (mà Việt Nam có độ mở 200%) nên khó có thể kiểm soát một cách chủ động.
Các động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2023 giảm dần. Việt Nam mới chỉ là thị trường cận biên, chưa phải là thị trường mới nổi nên nếu ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thì khó tránh khỏi dòng vốn sẽ rút khỏi các nước đang phát triển như nước ta.
Nhu cầu tiêu dùng của thế giới đang chững lại và có thể giảm, đã có dấu hiệu của đợt suy thoái kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta.
Giải pháp ứng phó với những bất ổn của thế giới, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Về phía Chính phủ
- Triển khai các chính sách vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách đầu tư… đồng bộ với CSTT.
- Cải thiện cơ cấu xuất khẩu, tăng tỷ trọng xuất khẩu của các DN nội địa để hoạt động xuất khẩu ổn định và bền vững. Mở rộng đối tác thương mại bao gồm cả các nhà cung cấp và tiêu thụ hàng Việt Nam, để giảm bớt sự lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hàng sang một quốc gia duy nhất,…
- Minh bạch thị trường, cải thiện thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.
- Làm tốt công tác dự báo, tăng cường nhân sự cho công tác này để Việt nam có thể ứng phó tốt nhất với những biến động của thế giới và trong nước.
Về phía NHNN
Hiện tại, CSTT của Việt Nam cũng đang đối mặt với “tam giác bất khả thi” (mối quan hệ giữa chính sách lãi suất - chính sách tỷ giá hối đoái - dòng vốn nước ngoài): Để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng chỉ có 1 lựa chọn: Hoặc ổn định lãi suất, hoặc ổn định tỷ giá, không thể cùng một lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của CSTT. Để đưa ra lựa chọn, cần phải phân tích thấu đáo, tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu thiệt hại đến tổng thể cũng như từng bộ phận của nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, trong đó 70-75% xuất khẩu là do khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cung cấp; còn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 23-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên dưới 20% GDP, chưa kể dòng vốn gián tiếp.
Như vậy, NHNN vẫn tiếp tục thực hiện linh hoạt CSTT để thích ứng các tác động của bất ổn thế giới, đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, trước mắt là trong năm 2023 với rất nhiều khó khăn, biến đổi khó đoán trước, theo đó các giải pháp cụ thể có thể là:
+ NHNN cần đảm bảo lãi suất thực dương, không nên để lãi suất tiền gửi quá thấp dễ gây ra hiện tượng người dân chuyển sang găm giữ vàng, đô la.
+ Đối với chính sách tỷ giá, để CSTT có thể vận hành một cách phù hợp nhất, NHNN cần phải có những phản ứng rất sớm trước những nguy cơ các dòng vốn quốc tế bị giảm mạnh. Nhưng để tránh tỷ giá dao động quá mạnh thì việc NHNN can thiệp bằng nguồn dự trữ ngoại tệ là hết sức cần thiết.
+ NHNN cũng cần làm tốt công tác dự báo: tăng cường công tác nghiên cứu dự báo cung - cầu tiền tệ. Để làm được điều này NHNN cần xây dựng một kho dữ liệu đầy đủ, chính xác và đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, NHNN có thể dự báo nhu cầu tiền không chỉ là cầu về MI và M2, mà còn có thể thực hiện cho cả các thành tố của M2. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là các cán bộ tham gia vào công tác nghiên cứu và dự báo. Khi có nguồn nhân lực đủ mạnh kết hợp với phương tiện kỹ thuật hiện đại, nguồn cung cấp mọi thông tin liên qua tới hoạt động ngân hàng đầy đủ và chính xác thì đó sẽ là cơ sở vững chắc cho NHNN hoạch định tốt CSTT.
+ NHNN cần sử dụng linh hoạt các công cụ CSTT gián tiếp, như: nghiệp vụ thị trường mở, chiết khấu, hoán đổi ngoại tệ, thấu chi... Những nghiệp vụ này khi sử dụng linh hoạt sẽ giúp NHNN điều chỉnh nhanh chóng sự biến động mang tính mùa vụ của cầu tiền trong ngắn hạn. Công cụ dự trữ bắt buộc cần điều hành linh hoạt nhằm nâng cao khả năng kiểm soát tiền tệ của NHNN, nếu giữ cố định trong một thời gian dài làm giảm vai trò điều tiết cung ứng tiền tệ của công cụ này và làm bó hẹp cách thức mà NHNN có thể sử dụng để điều tiết cung ứng tiền tệ.
Về phía các DN
- Tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm/giữ giá thành sản phẩm: tăng năng suất lao động, tiết giảm các chi phí gián tiếp…
- Thay thế các đầu vào nhập khẩu bằng các đầu vào sản xuất trong nước để giảm áp lực tỷ giá tăng;
- Tăng cường đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về phía các NHTM
Tóm lại, CSTT là rất quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tùy thuộc vào yêu cầu và bối cảnh kinh tế của từng quốc gia trong từng thời kỳ. Đối với Việt Nam, CSTT đã được duy trì và đảm bảo trong nhiều năm qua nhằm hướng tới một mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần phải phối hợp đồng bộ với các chính sách khác như: chính sách tài khóa, chính sách đầu tư…và phải có chiến lược dài hạn. Do vậy đây vẫn là thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong dài hạn./.
Tài liệu tham khảo
1. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 của Quốc hội và định hướng điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng năm 2022
2. Báo cáo thường niên của NHNN, Tổng cục Thống kê
3. Các bản tin về hoạt động ngân hàng tuần/tháng của NHNN
4. Các báo, trang tin điện tử: Baodautu.vn; Thitruongtaichinhtiente.vn; Cafef.vn.
TS. Nguyễn Thị Thủy -