Cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế

13/05/2024 - 19:48
(Bankviet.com) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xếp hạng cấp quốc gia 12 di tích khảo cổ học, lịch sử và kiến trúc Tiến hành khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích Đại Hữu tại Bình Định

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ này đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BVHTTDL ngày 9/5/2024 cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế, phường Đông Ba, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được biết, thời gian khai quật từ nay đến ngày 15/7/2024, trên diện tích 60m2, gồm: 03 hố x 20m2/01 hố. Chủ trì khai quật là bà Nguyễn Thị Thao Giang, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế
Đại Nội Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu, trong thời gian khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 (một) năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Là một phần trong quần thể di tích Cố đô Huế, Đại Nội Huế mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của triều đại nhà Nguyễn, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Hiện, Đại Nội Huế còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của phong kiến triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm để lại. Đại Nội Huế có hai khu vực chính là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành là nơi vua thiết triều và làm việc, bao gồm Cổng Ngọ Môn và Điện Thái Hòa. Tử Cấm Thành là khu vực dành riêng cho vua và hoàng tộc, gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ...

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương