Chủ tịch Lê Hồng Phúc và con trai sắp bỏ túi tiền tỷ từ Dược Hà Tĩnh

24/05/2024 - 03:10
(Bankviet.com) Ông Lê Hồng Phúc - Chủ tịch HĐQT và con trai Lê Quốc Khánh - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh (UPCoM: HDP) sẽ thu về nhiều tỷ đồng từ đợt chia cổ tức sắp tới của doanh nghiệp này.

Ngày 22/5, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thanh toán là 12% (mỗi cổ phiếu nhận 1.200 đồng). Ngày thực hiện được ấn định là 20/6/2024. Với gần 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ phải chi xấp xỉ 12 tỷ đồng để thanh toán hết cho cổ đông.

Cổ đông lớn nhất của Dược Hà Tĩnh là ông Lê Quốc Khánh - Tổng giám đốc Công ty. Ông Khánh đang nắm giữ gần 1,15 triệu cổ phiếu HDP. Bố ông Khánh là Lê Hồng Phúc - Chủ tịch HĐQT hiện nắm gần 922.000 cổ phiếu HDP. Như vậy, hai bố con ông Phúc sẽ nhận về khoảng 2,5 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức sắp tới của Dược Hà Tĩnh.

Đây là năm thứ tư liên tiếp Dược Hà Tĩnh trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, trong đó năm 2022 có tỷ lệ cao nhất (16%). Tại ĐHCĐ thường niên mới đây, Công ty lên kế hoạch trả cổ tức 2024 bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, tỷ lệ dao động từ 12% - 20%.

Dữ liệu cho thấy, ông Phúc và ông Khánh cũng là 2 nhân sự có thu nhập cao nhất tại Dược Hà Tĩnh. Năm 2023, thu nhập của ông Lê Quốc Khánh được Công ty chi trả là hơn 747,8 triệu đồng, trong khi ông Lê Hồng Phúc nhận hơn 614,2 triệu đồng.

Thu nhập của dàn lãnh đạo Dược Hà Tĩnh
Thu nhập của dàn lãnh đạo Dược Hà Tĩnh

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Dược Hà Tĩnh thu về 422,1 tỷ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 12% so với cùng kỳ. Lãi gộp ở mức 100 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt 132,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ, lần lượt là 68,1 tỷ đồng và 15,7 tỷ đồng. Rõ ràng tuy có giảm nhưng các khoản phí này vẫn đang ở mức cao.

Khép lại năm 2023, Công ty báo lãi 12,4 tỷ đồng, giảm 26,2% so với năm 2022.

Tổng tài sản Công ty tại 31/12/2023 ở mức 265,6 tỷ đồng, giảm 21 tỷ đồng so với năm 2022. Hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 96% tài sản ngắn hạn, trong khi tiền trong ‘két’ giảm còn hơn 4,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy chất lượng tài sản của Công ty không được tốt, doanh nghiệp vẫn đang bị khách hàng chiếm dụng vốn khá nhiều.

Trong cơ cấu vốn, nợ phải trả tại 31/12/2023 ở mức 139,3 tỷ đồng, gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 94,2%, gồm 44,5 tỷ đồng nợ vay. Dòng tiền trong năm bị âm hơn 6,8 tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn dương 6 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất trong ngắn hạn của Dược Hà Tĩnh là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Tĩnh, với khoản vay hơn 32,9 tỷ đồng. Trong dài hạn, nhà băng này cũng đang cho Dược Hà Tĩnh vay hơn 2,2 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất trong dài hạn của Công ty là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhanh Hà Tĩnh (hơn 5,3 tỷ đồng).

Năm 2024, Dược Hà Tĩnh đặt mục tiêu doanh thu 480 tỷ đồng, tăng 13,7% so với kết quả thu được năm 2023, lãi ròng ở mức 15 – 20 tỷ đồng, tăng hơn 25%.

Vừa đón tin vui từ cổ đông lớn, Dược phẩm Hà Tây phải thu hồi lô thuốc không đủ tiêu chuẩn

Đây là lô thuốc do Công ty Kausikh Therapeutics (P) Ltd. (Ấn Độ) sản xuất, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây nhập khẩu.

Ông trùm dược phẩm Nhật Bản sẽ nhận hơn 500 tỷ đồng cổ tức từ Dược Hậu Giang (DHG)

Với việc nắm giữ gần 67 triệu cổ phiếu DHG, tổ chức này chuẩn bị nhận hơn 500 tỷ đồng từ Dược Hậu Giang.

Dược Nam Hà báo lãi ròng năm 2023 ‘bốc hơi’ 54%

Kết thúc năm 2023, Dược Nam Hà báo lãi ròng đạt gần 40 tỷ đồng, giảm tới 53,6% so với thực hiện năm 2022.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán