Những gương mặt tỷ phú Việt Nam trên bản đồ thế giới
Sau một thời gian vắng bóng, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group (MSN) – đã chính thức trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes với khối tài sản 1 tỷ USD, xếp hạng 2.718 thế giới theo cập nhật ngày 2/2/2025. Sự trở lại của ông nâng tổng số tỷ phú USD của Việt Nam lên con số 6, với tổng tài sản ước tính khoảng 13,4 tỷ USD.
Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan |
Dẫn đầu danh sách người giàu Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS). Theo Forbes, khối tài sản của ông đạt mức 4,1 tỷ USD, giúp ông đứng thứ 842 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Bên cạnh đó, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam còn có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet (VJC) với khối tài sản 2,8 tỷ USD. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát (HPG) hiện sở hữu 2,3 tỷ USD. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank (TCB) cũng có mặt trong danh sách với tài sản 1,8 tỷ USD. Trong khi đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO nắm giữ khối tài sản 1,3 tỷ USD.
Số lượng tỷ phú USD của Việt Nam đã dao động trong khoảng 5 – 7 người trong nhiều năm qua. Trước đây, Việt Nam từng có 7 tỷ phú USD vào năm 2022, khi ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Novaland – góp mặt trong danh sách với tài sản 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, đến 2023 và 2024, ông Nhơn không còn xuất hiện do doanh nghiệp gặp khó khăn.
So sánh với khu vực: Việt Nam còn khoảng cách với các nước ASEAN
Dù số lượng tỷ phú tăng lên nhưng so với các quốc gia láng giềng, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn. Theo Forbes, Singapore hiện có 41 tỷ phú USD với tổng tài sản gần 115 tỷ USD. Indonesia cũng tăng trưởng mạnh, có 35 tỷ phú – tăng 10 người so với năm 2023. Thái Lan sở hữu 26 tỷ phú với tổng tài sản gần 86 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia có 17 tỷ phú và Philippines có 16 tỷ phú USD.
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam chính thức có tỷ phú USD đầu tiên vào năm 2011 khi ông Phạm Nhật Vượng xuất hiện trên Forbes với tài sản tương đương 1 tỷ USD. Trong suốt ba năm sau đó, ông Vượng là tỷ phú duy nhất của Việt Nam. Đến năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo gia nhập danh sách với khối tài sản 1,2 tỷ USD. Từ đó, danh sách này ngày càng mở rộng với sự góp mặt của nhiều doanh nhân đến từ các tập đoàn lớn.
Theo Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có ít nhất 10 tỷ phú USD và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Để đạt được điều này, một chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ và sản xuất.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc có nhiều tỷ phú USD là tín hiệu tích cực, nhưng sức mạnh thực sự của nền kinh tế nằm ở số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự vươn lên của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Đón năm mới Ất Tỵ: Những "con rắn vàng" trong làng doanh nhân Việt Tuổi Tỵ, với hình tượng con rắn uyển chuyển, thông minh, từ lâu đã được xem là một trong những tuổi mang lại nhiều may ... |
Nữ tỷ phú Thái Lan trả tiền điều trị cho Xuân Son: Đổ vốn tỷ USD vào Việt Nam lập ngân hàng, công ty công nghệ và tài chính Madam Pang, nữ doanh nhân quyền lực và giàu có bậc nhất Thái Lan, không chỉ nổi bật trong vai trò chủ tịch Hiệp hội ... |
Thu Hà