Chứng khoán 2025: Có những gam màu sáng, kỳ vọng tạo sự đột phá về quy mô và chất lượng

05/02/2025 - 11:16
(Bankviet.com) Dù có thể còn nhiều biến động khó dự báo, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ có gam màu tươi sáng hơn trong năm 2025. Cùng với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương… sẽ tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp…

Những yếu tố tích cực mang tính nội tại của kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện nền tảng cho thị trường duy trì sự ổn định, thanh khoản tốt, tăng trưởng song hành cả quy mô và chất lượng trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương về các yếu tố tác động và những định hướng, giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 và thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương

Phóng viên (PV): Thưa bà, năm 2025, nhiều nhận định cho rằng, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục tích cực, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn còn khó lường. Bà có thể cho biết, đâu là các yếu tố có thể tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Mặc dù có nhiều biến động trước nhiều tác động từ tình hình kinh tế, thương mại, địa chính trị thế giới, nhưng nhìn chung năm 2024 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam về cơ bản giữ được sự ổn định, an toàn, phát triển, tiếp tục khẳng định được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; thị trường duy trì sự ổn định, thanh khoản tốt, kỷ luật kỷ cương được củng cố, gia tăng tính minh bạch, bền vững.

Cùng với thị trường, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, năm 2024 cũng là năm ghi lại nhiều dấu ấn trong hoạt động quản lý, điều hành, giám sát thị trường chứng khoán của ngành chứng khoán, trong đó tiêu biểu là công tác hoàn thiện pháp lý khi Luật Chứng khoán sửa đổi đã được ban hành, hay trước đó Thông tư 68/2024/TT-BTC tháo gỡ nút thắt quan trọng cho tiến trình nâng hạng...

Tôi cho rằng những kết quả tích cực trên không chỉ là sự nỗ lực của ngành Chứng khoán, mà đây là thành quả của cả một quá trình tích lũy của toàn ngành trong nhiều năm, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã tạo cơ sở nền tảng quan trọng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong những năm qua. Kỳ vọng những thành quả đạt được tiếp tục tạo động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ, chất lượng, bền vững hơn trong năm mới 2025 và những năm tiếp theo.

Chúng ta phải đồng thuận với nhau rằng, thị trường chứng khoán luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Diễn biến của thị trường chứng khoán là phản ánh tổng hòa của các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, sức khỏe của doanh nghiệp… qua lăng kính, niềm tin và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường. Chính vì vậy, diễn biến thị trường chứng khoán năm nay và thời gian tới tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2025, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức 3,2% tương đương mức tăng của năm 2024. Trong khi đó, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sự vững vàng của kinh tế toàn cầu sẽ duy trì trong năm 2025 và năm 2026 với cùng mức tăng GDP đạt 3,3%. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo sẽ có nhiều yếu tố bất ổn và khó lường đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm các cuộc xung đột thương mại tiềm tàng, căng thẳng địa chính trị, đồng USD mạnh lên quá mức và sự suy yếu của kinh tế một số nước.

Chúng tôi cho rằng, những thuận lợi và thách thức của thế giới sẽ tiếp tục tác động đa chiều thời kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Ở trong nước, với các giải pháp của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra. Cùng với đó, với giải pháp cải cách, đổi mới của Chính phủ, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, hỗ trợ tích cực cho đà phát triển của doanh nghiệp trong năm tới. Ngoài ra, một số yếu tố nội tại mang tính kỳ vọng tâm lý của nhà đầu tư như dòng tiền ngoại tích cực hơn, triển vọng nâng hạng… cũng có thể được nhắc tới.

Vì vậy, nhìn một cách tổng thể, thị trường chứng khoán trong nước năm 2025 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn, nhờ những kỳ vọng bứt phát từ các yếu tố mang tính nội lực của Việt Nam.

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương… những yếu tố tích cực nêu trên hy vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện nền tảng cho thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì sự ổn định, thanh khoản tốt, tăng trưởng song hành cả quy mô và chất lượng.

PV: Cũng như bà vừa chia sẻ, công tác nâng hạng là một điểm nhấn trong năm qua và sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong năm 2025 này. Bà có đánh giá gì về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán đã được cơ quan quản lý triển khai?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao trong thời gian vừa qua. Năm 2025 là mục tiêu phấn đấu để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không những đem lại nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam, các chủ thể tham gia thị trường nói riêng; mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung. Các tổ chức tài chính quốc tế, các chuyên gia, thành viên thị trường đều cho rằng, khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút một lượng vốn, thúc đẩy tăng trưởng quy mô và thanh khoản thị trường. Vì thế, đây là quyết tâm lớn và là công tác luôn được UBCKNN tích cực triển khai dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính.

Như chúng ta đã biết, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã chính thức được ban hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng, tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý, đáp ứng tiêu chí về nâng hạng của tổ chức FTSE Russell. Qua ghi nhận thực tiễn việc triển khai nghiệp vụ giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền (Non-prefunding) của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đều thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và bảo đảm sự an toàn, thông suốt từ các thành viên thị trường, các bên liên quan. Cùng với đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng đã được ban hành, trong đó có bổ sung nhiều quy định để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBCKNN vẫn đang tiếp tục làm việc với bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Các bộ, ngành cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, UBCKNN đã và đang tích cực chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn nhằm tuyên truyền về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường; tăng cường phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhà đầu tư nước ngoài về mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, qua ghi nhận từ các tổ chức quốc tế, trong nước, Việt Nam có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng theo đúng lộ trình. Về phía cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực cao nhất để triển khai các công việc tiếp theo để tháo gỡ các nút thắt như triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), phối hợp đề xuất nới room nước ngoài, triển khai công bố thông tin bằng tiếng Anh… nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng theo chuẩn của MSCI.

PV: Trong bối cảnh nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, ngành chứng khoán sẽ có những giải pháp gì để đưa thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn về cả “chất” và “lượng”, thưa bà?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Năm 2025 là một năm với nhiều những dấu mốc quan trọng, là năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; 80 năm thành lập Nước, 50 năm thống nhất đất nước; đối với ngành tài chính và thị trường tài chính cũng là năm với những sự kiện quan trọng như 80 năm thành lập ngành tài chính, 25 năm thị trường chứng khoán tổ chức vận hành.

Giao nhiệm vụ cho ngành Chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, ngành Chứng khoán phải nỗ lực không ngừng từ tất cả các thành viên thị trường, từ việc cải cách cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt thu hút nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để đạt được sự kỳ vọng của Bộ trưởng, trong thời gian tới, ngành Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam, khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế, góp phần hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước, trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán, trong đó, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững; tiếp tục triển khai các giải pháp, đáp ứng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu nâng hạng.

Thứ hai, tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp, phân loại, mở rộng thị trường; cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư và cơ cấu lại tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.

Thứ ba, về cơ sở nhà đầu tư, sẽ tập trung chiến lược cho phát triển các nhà đầu tư có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, tiếp tục đồng bộ các giải pháp, phấn đấu sớm được nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi để thu hút tốt hơn sự quan tâm, tham gia đầu tư của các tổ chức nước ngoài.

Thứ tư, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán; siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để thị trường chứng khoán phát triển minh bạch và bền vững; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường, bảo đảm thị trường vận hành an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Thứ năm, tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, nâng cao hiểu biết và kiến thức về tài chính, chứng khoán cho nhà đầu tư, hình thành được các lớp NĐT chứng khoán có nền tảng kiến thức cơ bản, kỹ năng giao dịch chuyên nghiệp, gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Chứng khoán và sự ủng hộ, chung sức của thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế…. với các giải pháp quan trọng nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nắm bắt tốt cơ hội để có bước phát triển đột phá cả về chất lượng và quy mô, nâng tầm vị thế và sẵn sàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẵn sàng bứt phá trong năm 2025

KBSV Research dự báo VN-Index đạt 1.460 điểm vào cuối năm 2025, tăng trưởng 16,7% EPS. Các chủ đề đầu tư nổi bật gồm nâng ...

Nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2025 khi chứng khoán Việt Nam nâng hạng

Năm 2025, chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE, mở ra cơ hội thu hút dòng ...

Thị trường chứng khoán 2025: Động lực tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn

Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc, hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh ...

Theo Nhandan.vn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán