Chứng khoán KB Việt Nam kinh doanh ra sao đầu năm 2022?

09/07/2022 - 01:06
(Bankviet.com) Quý I/2022, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận giá trị giao dịch cổ phiếu tăng mạnh.
Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam nói gì về vụ “chứng khoán Ngô Nam”?

Giao dịch cổ phiếu tăng đột biến

Tình hình kinh doanh năm 2021 và quý I/2022 của KBSV có nhiều biến động so với năm trước đó. Báo cáo tài chính năm 2021 của KBSV cho thấy tổng giá trị các khoản cho vay của công ty đến ngày 31/12/2021 lên hơn 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó cho vay margin tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 4.400 tỷ đồng và ứng trước tiền bán chứng khoán gần 646 tỷ đồng.

Chứng khoán KB Việt Nam kinh doanh ra sao đầu năm 2022?

Trụ sở của Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Trong khi đó báo cáo tài chính quý I/2022 ghi nhận tổng giá trị cho vay margin đến hết quý 1 tiếp tục tăng với số lượng tăng gần 560 tỷ đồng, lên 5.100 tỷ đồng. Điểm đặc biệt là giá trị giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vượt 267.300 tỷ đồng cả năm.

Cụ thể, giá trị khối lượng giao dịch cổ phiếu của KBSV năm 2021 cũng tăng đột biến gần 10 lần năm 2020, lên gần 613 tỷ đồng. Cổ phiếu cũng là ưu tiên giao dịch của công ty. Năm 2020, KBSV giao dịch trái phiếu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng nhưng năm 2021 không có giao dịch trái phiếu này. Giá trị giao dịch cổ phiếu của các nhà đầu tư qua KBSV cũng tăng mạnh từ 90.900 tỷ đồng năm 2020 lên trên 267.300 tỷ đồng năm 2021.

Chứng khoán KB Việt Nam kinh doanh ra sao đầu năm 2022?
Các chủ nợ của KBSV

Đặc biệt từ thời điểm tháng 01/2022, khi khách hàng có nhu cầu đăng ký hợp đồng dịch vụ phát triển khách hàng (gọi tắt DSF) tại Công ty KBSV thì kết quả kinh doanh của KBSV càng tăng mạnh.

Điều đó thể hiện rõ trong Công văn số 108/2021/CV-KBSV giải trình tăng/giảm lợi nhuận sau thuế quý I/2022 so với quý I/2021. Lợi nhuận sau thuế của KBSV quý I/2022 (82.888.809.229 đồng) tăng 26.367.475.660 đồng, tương đương 46,65% so với lợi nhuận sau thuế quý I/2021 (56.521.333.569 đồng).

Lợi nhuận tăng mạnh theo giải trình của KBSV là do nguyên nhân quý I/2022 các hoạt động của công ty ổn định, thị trường chứng khoán quý I/2022 duy trì đà tăng, số lượng tài khoản tham gia giao dịch tăng nhiều, đặc biệt trong quý IV/2021 công ty đã hoàn tất tăng vốn điều lệ. Doanh thu từ hoạt động môi giới tăng mạnh và lãi từ các khoản cho vay tăng đã ảnh hưởng tích cực đến lợi nhận công ty.

Tăng vốn mạnh nhưng nợ hàng nghìn tỷ đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của KBSV đến ngày 31/1/2021 gần 5.000 tỷ đồng, tăng 1.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Chứng khoán KB Việt Nam kinh doanh ra sao đầu năm 2022?

Tổng giá trị các khoản cho vay của KBSV trong năm 2021 hơn 5.100 tỷ đồng

Chủ nợ lớn nhất của Chứng khoán KB là Ngân hàng Kookmon Bank - Japan với dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng; Kookmon Bank chi nhánh Hà Nội cũng có dư nợ 333 tỷ đồng. Chủ nợ lớn tiếp theo là Ngân hàng SMBC - Singapore với dư nợ hơn 900 tỷ đồng. Dư nợ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 507 tỷ đồng, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Thành 500 tỷ đồng và dư nợ tại VPBank 400 tỷ đồng…

Còn báo cáo tài chính quý I/2022 ghi nhận vay ngắn hạn của KBSV đến hết quý I/2022 tiếp tục tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm, lên 5.450 tỷ đồng.

Trong năm 2021, KBSV cũng được xem là một trong những công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn mạnh nhất năm. Cụ thể, năm 2021, KBSV tiến hành tăng vốn khủng từ 1.675 tỷ đồng lên 3.001 tỷ đồng.

Trong phần Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2021 của KBSV ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 2.800 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần tư hoạt động đầu tư cũng âm gần 1 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần tư hoạt động tài chính ghi dương hơn 2.900 tỷ đồng.

Tào Khang

Theo: Báo Công Thương