Chứng khoán Mỹ giảm điểm dưới áp lực chốt lời và mối lo lạm phát

13/11/2024 - 15:07
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên thứ Ba do nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng mạnh hậu bầu cử và lo ngại về báo cáo lạm phát sắp công bố. Các chỉ số lớn như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều điều chỉnh. Chứng khoán châu Âu cũng giảm sau cảnh báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Ba khi nhà đầu tư tận dụng cơ hội chốt lời sau đợt tăng mạnh hậu bầu cử. Đồng thời, tâm lý thận trọng cũng gia tăng trước báo cáo lạm phát dự kiến sẽ công bố vào ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên thứ Ba, chỉ số Dow Jones giảm 382,15 điểm (-0,86%) xuống 43.910,98 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 17,36 điểm (-0,29%) còn 5.983,99 điểm, và Nasdaq Composite đi ngang với mức giảm nhẹ 0,09% xuống 19.281,4 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm dưới áp lực chốt lời và mối lo lạm phát

Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục tăng nhờ kỳ vọng vào các chính sách cắt giảm thuế và nới lỏng quy định từ Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, niềm tin này đã bị lung lay bởi lo ngại rằng, các chính sách tài khóa của ông Trump có thể đẩy lạm phát lên cao. Tại châu Âu, chứng khoán cũng giảm 2% khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo rằng, việc tăng thuế nhập khẩu của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong số các nhóm ngành thuộc S&P 500, nguyên vật liệu dẫn đầu đà giảm khi mất 1,6% còn 581,22 điểm, tiếp theo là y tế giảm 1,34% chốt ở 1.714,97 điểm. Cổ phiếu Amgen trong ngành y tế giảm mạnh nhất với 7% xuống còn 289,84 điểm. Ngược lại, ngành viễn thông ghi nhận mức tăng 0,5%, đạt 335,14 điểm.

Ngành công nghệ sinh học cũng biến động với cổ phiếu Novavax giảm 6% sau khi công ty hạ dự báo doanh thu do doanh số vắc-xin COVID-19 không đạt kỳ vọng. Cổ phiếu Honeywell tăng 3,85% lên 233,91 điểm sau khi quỹ đầu tư Elliott Investment công bố khoản đầu tư trị giá 5 tỷ USD vào tập đoàn này. Tesla - một trong các cổ phiếu tăng mạnh sau bầu cử, giảm 6,15% xuống 328,49 điểm sau khi đã tăng gần 40% kể từ ngày bầu cử. Chỉ số Russell 2000, đo lường các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, giảm 1,8% xuống còn 2.391,85 điểm.

Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao gây áp lực lên cổ phiếu, khi nhà đầu tư trái phiếu định giá lại theo các chính sách của Trump. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang tạo ra sự mâu thuẫn giữa kỳ vọng tăng trưởng của nhà đầu tư cổ phiếu và lo ngại về áp lực lạm phát từ các chính sách nhập khẩu, cắt giảm thuế và hạn chế nhập cư.

Russell Price - chuyên gia kinh tế trưởng tại Ameriprise Financial cho rằng, đà giảm của thị trường quốc tế đã tạo áp lực tiêu cực lên thị trường Mỹ. Thêm vào đó, việc nhà đầu tư chốt lời trước thềm báo cáo lạm phát đã gây ra tâm lý lo ngại và áp lực bán tháo, khiến thị trường điều chỉnh mạnh.

Hiện tại, giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào báo cáo lạm phát giá tiêu dùng công bố vào thứ Tư, cùng với dữ liệu lạm phát giá sản xuất và doanh số bán lẻ trong tuần này để đánh giá triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari cho biết, chính sách tiền tệ hiện đang ở mức "hơi hạn chế" và chi phí vay ngắn hạn có thể tác động nhẹ đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm dưới áp lực từ cổ phiếu bán dẫn

Thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh khi chứng khoán Hồng Kông lao dốc 2,84% và các cổ phiếu chip chịu áp lực bán ...

Kết quả mua lại cổ phiếu quỹ của Vinhomes (VHM) và Nghị quyết mới nhất từ HĐQT

Vinhomes (VHM) công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ, thông qua bổ sung ngành nghề kinh doanh, sửa đổi điều lệ và niêm yết trái phiếu tại ...

Thông tin chứng khoán trước giờ giao dịch 13/11: Cổ phiếu SMC bị kiểm soát, Vietcap hoàn tất chào bán cổ phiếu...

Thị trường chứng khoán phiên 13/11 đón nhận những thông tin quan trọng như: Chứng khoán châu Á giảm do áp lực từ cổ phiếu ...

Hoàng Thái

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán