Tại Mỹ, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đạt mức cao nhất mọi thời đại sau khi ông Powell cho biết đã có những tiến triển "khiêm tốn" trong cuộc chiến chống lạm phát, qua đó củng cố niềm tin thị trường. Chốt phiên này, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq đồng loạt tăng 0,1%, lần lượt lên mức cao kỷ lục 5.576,98 và 18.429,29 điểm. Chỉ số Nasdaq lập kỷ lục lần thứ 6 liên tiếp. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 0,1%, còn 39.291,97 điểm.
Trong cuộc điều trần trước một ủy ban của Thượng viện, Chủ tịch Powell cho biết nhiều dữ liệu tích cực hơn của kinh tế sẽ củng cố niềm tin của FED rằng lạm phát đang giảm về mức mục tiêu 2%. Hiện FED thận trọng với kế hoạch cắt giảm lãi suất và cơ quan này nhiều lần tuyên bố sẽ cân nhắc vấn đề này khi những chỉ số kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát đang được kiềm chế hiệu quả và hướng về mức mục tiêu.
Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến dữ liệu lạm phát tiêu dùng dự kiến công bố vào ngày 11/7.
Dữ liệu tích cực sẽ củng cố niềm tin của FED để bắt đầu cắt giảm lãi suất, qua đó hỗ trợ đà tăng của thị trường chứng khoán.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ do những lo ngại về tình hình chính trị bất ổn tại Pháp. Chốt phiên giao dịch ngày 9/7, chỉ số CAC 40 ở Paris giảm 1,2% - tiếp nối mức giảm 0,6% của phiên trước đó khi các nhà đầu tư lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) vừa qua.
Báo Les Echos cho rằng với kết quả kiểm phiếu vòng 2, không có phe nào giành được vị trí đa số tuyệt đối và vì vậy, sự phân cực trong chính trường Pháp càng trở nên rõ nét hơn với 3 khối có số ghế không chênh nhau nhiều, gồm liên minh cánh tả, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron và phe cực hữu. Bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại XTB, nhận định thị trường chứng khoán Pháp đang là thị trường hoạt động yếu nhất ở châu Âu.
Chỉ số FTSE 100 trên sàn giao dịch London (Anh) giảm 0,7% do cổ phiếu của BP "bốc hơi" tới 4% sau khi tập đoàn năng lượng của Anh cảnh báo thu nhập quý II có thể bị giảm tới 2 tỷ USD.
Lan Phương