Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 327 điểm, tương đương 1,02%, và kết phiên ở 31.834 điểm. S&P 500 đi xuống mạnh hơn khi mất 1,65% và đóng cửa ở 3.935 điểm, đánh dấu lần thứ 2 thủng mốc 4.000 trong tuần này.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rơi 3,18% còn 11.364 điểm, chìm sâu hơn vào vùng thị trường gấu.
Theo CNBC, S&P 500 hiện nay đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây, giảm 18% so với đỉnh lịch sử trong phiên 3/1/2022 và sụt 17,4% so với cuối năm 2021.
Bà Susan Schmidt, Giám đốc quản lý danh mục cổ phiếu Mỹ tại Aviva Investors, nhận định: “Mọi người đều muốn giá năng lượng, thực phẩm, và tiền công lao động cùng giảm xuống, nhưng để làm được những việc đó, chúng ta phải tăng lãi suất”.
Bộ Lao động sáng 11/5 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 8,1% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo nhưng thấp hơn mức tăng 8,5% của tháng 3. Mặc dù vậy, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây, tỷ lệ lạm phát tháng 4 vẫn đang ở vùng cao nhất 4 thập kỷ.
CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và lương thực) tăng 6,2% so với cùng kỳ, cao hơn con số 6% mà các nhà kinh tế kỳ vọng. So với tháng liền trước, CPI toàn phần tăng 0,3% và CPI lõi tăng 0,6%. Đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đang dần đạt đỉnh nhưng áp lực tăng giá vẫn sẽ kéo dài.
Một số nhà phân tích cho rằng lạm phát vẫn có thể lên cao hơn nữa. CNBC dẫn lời ông Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate, nhận xét: “Khi tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm từ 8,5% xuống còn 8,3%, nhiều người muốn nói rằng lạm phát đã đạt đỉnh. Nhưng chúng ta đã từng bị lừa trước đây, chẳng hạn như vào tháng 8/2021”.
Năm ngoái, tỷ lệ lạm phát của Mỹ giảm từ 5,3% trong tháng 7 còn 5,2% trong tháng 8, nhưng rồi sau đó liên tục tăng mạnh vào các tháng sau.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bị cho là đã chậm chân trong việc kiểm soát lạm phát nên giờ đây sẽ phải nhanh chóng thắt chặt tiền tệ để ghìm cương giá cả. Việc Fed lên kế hoạch tăng nhanh lãi suất và hút bớt thanh khoản trong nền kinh tế đã khiến cho nhà đầu tư lo lắng và là một trong những nhân tố làm thị trường lao dốc trong những tuần qua.
Sau khi số liệu lạm phát được công bố, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vọt lên trên 3% nhưng rồi giảm còn 2,93%.
“Rồi sẽ đến lúc chúng ta phải nói về một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, ông Mohamed El-Erian, Kinh tế trưởng tại tập đoàn Allianz, nhận định. “Lạm phát không còn chỉ là vấn đề liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát hiện nay lan ra rộng khắp và Fed đã quá chậm trễ trong hành động”.
Bà Kathy Jones, Giám đốc chiến lược trái phiếu tại Charle Schwab, nói: "Các thị trường kỳ vọng một con số lạm phát tích cực hơn. Số liệu vừa được công bố là chưa đủ để loại bỏ khả năng Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ".
Năng lượng được cho là một ngành hưởng lợi trong môi trường lạm phát cao. Thống kê bên dưới cho thấy cổ phiếu dầu khí đi ngược xu hướng thị trường chung và diễn biến tích cực nhất trong các nhóm ngành thuộc S&P 500. Chevron và Occidental Petroleum tăng lần lượt 1,4% và 1,1%. ExxonMobil thêm 2%.
Cổ phiếu công nghệ lao dốc, kéo tụt S&P 500 và Nasdaq. Meta Platforms (sở hữu Facebook) và Apple sụt lần lượt 4,5% và 5,2%. Salesforce và Microsoft mất tương ứng 3,5% và 3,3%.
Sau phiên sa sút 11/5, Apple đã để mất ngôi vị tập đoàn có vốn hóa lớn nhất hành tinh vào tay Saudi Aramco – đại gia dầu khí giao dịch trên sàn chứng khoán Arab Saudi. Apple hiện có giá trị thị trường 2.370 tỷ USD trong khi Saudi Aramco là gần 2.430 tỷ USD.
Song Ngọc
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam