Đây có thể là lý do khiến chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành mất cả nghìn tỷ lợi nhuận
Doanh nghiệp hàng không ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm tăng gần 20% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm do ảnh hưởng từ lỗ tỷ giá
Theo báo cáo cập nhật từ Công ty Chứng khoán Vietcap sau Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HoSE: ACV), doanh thu thuần 6 tháng đầu năm ước đạt 11.700 tỷ đồng (loại trừ phí cất – hạ cánh), tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong cùng kỳ ước đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 14% so với nửa đầu năm 2024.

Đáng chú ý, riêng quý II/2025, LNTT của ACV giảm 29% so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 2.600 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là khoản lỗ tỷ giá khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2024 công ty ghi nhận lãi tỷ giá thuần 524 tỷ đồng.

Tỷ giá yen tăng gây áp lực lớn đến lợi nhuận
Vietcap cho biết, từ đầu năm đến nay, tỷ giá JPY/VND đã tăng khoảng 13% và hiện ở vùng đỉnh 3 năm. ACV giả định tỷ giá JPY/VND sẽ tăng 20% trong năm 2025, tương ứng mức lỗ tỷ giá ước tính khoảng 1.700 tỷ đồng – đảo chiều so với khoản lãi 391 tỷ đồng từ tỷ giá ghi nhận trong năm 2024

Dù hoạt động kinh doanh cốt lõi được đánh giá vẫn theo đúng kế hoạch, Vietcap cho rằng ảnh hưởng từ tỷ giá là yếu tố cần tiếp tục theo dõi trong các kỳ tới.
Kế hoạch kinh doanh và tăng vốn cổ phần
ACV đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2025 đạt 22.200 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu cốt lõi không bao gồm phí cất – hạ cánh dự kiến đạt 21.600 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2024. LNTT năm 2025 dự kiến đạt 10.500 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước.
Cùng với đó, sản lượng hành khách cả năm dự kiến đạt 119 triệu lượt, tăng 8%, trong đó khách quốc tế tăng 9% lên 45 triệu lượt và khách nội địa đạt 74 triệu lượt, tăng 7%.
Về phân phối lợi nhuận, ACV sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 65%, nguồn từ lợi nhuận giữ lại giai đoạn 2019–2023. Việc phát hành dự kiến hoàn tất trong nửa cuối năm 2025, qua đó tăng vốn điều lệ từ 21.800 tỷ đồng lên 35.800 tỷ đồng. Riêng phương án phân phối lợi nhuận 2024 sẽ được trình cổ đông sau khi có ý kiến từ cơ quan quản lý.
Nhiều dự án trọng điểm đúng tiến độ
ACV cho biết tiến độ các dự án đầu tư lớn vẫn theo kế hoạch. Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến vận hành thương mại trong nửa đầu năm 2026. Dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài cũng đang được triển khai đúng tiến độ và dự kiến hoàn thành cùng năm.
Trong mảng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, ACV đã hoàn tất phân loại tài sản và dự kiến đề xuất phương án sử dụng phần tài sản đường băng để tăng vốn nhà nước tại ACV, hoàn tất quy trình vào cuối năm 2026. Quyết định 2007/QĐ-TTg hiện được đề xuất gia hạn đến hết năm 2026.
Về việc chuyển giao mảng an ninh hàng không cho Bộ Công an, ban lãnh đạo ACV cho biết mảng này tuy chiếm 7% doanh thu năm 2024 nhưng lại chiếm tới 20% chi phí hoạt động. Do đó, việc chuyển giao sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả chung, đồng thời công ty và Bộ Công an đang phối hợp để xây dựng kế hoạch chuyển đổi.
Nợ xấu hàng không đang được kiểm soát
Về chất lượng công nợ, ACV cho biết phần lớn các khoản phải thu phát sinh từ giai đoạn COVID-19. Hiện nay, các khoản nợ mới gần như không phát sinh và các khoản thu đang được xử lý tự động qua hệ thống ngân hàng. Các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines (HVN) và Vietjet (VJC) đều đã có kế hoạch thanh toán dần, mục tiêu cơ bản giải quyết nợ cũ trong năm 2025.
cổ phiếu thoái lui sau nhịp hồi mạnh
Trong phiên sáng 1/7/2025, cổ phiếu ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) giao dịch ở mức 95.50 đồng/cp, giảm 0.10 điểm (-0.10%) so với tham chiếu. Khối lượng khớp lệnh đạt khoảng 60.300 đơn vị, cho thấy thanh khoản tiếp tục suy yếu so với các phiên sôi động hồi cuối tháng 6.

Cầu mua hiện vẫn tập trung quanh vùng 95.10 – 95.40 đồng/cp, trong khi lực bán mạnh xuất hiện từ vùng 95.50 trở lên, cho thấy tâm lý giằng co quanh vùng giá hiện tại.
So với giai đoạn đầu tháng 4/2025, ACV từng chạm mức đáy quanh 76.000 – 78.000 đồng/cp. Từ đó, cổ phiếu đã phục hồi mạnh mẽ, lên sát vùng 104.000 đồng vào giữa tháng 6, tương ứng mức tăng hơn 35% trong vòng hơn 2 tháng.
Tuy nhiên, kể từ đỉnh giữa tháng 6, ACV đã quay đầu điều chỉnh với xu hướng giảm dần đều. Diễn biến này đi kèm với thanh khoản suy yếu cho thấy áp lực chốt lời đang lấn át dòng tiền vào mới.