Nikkei 225 chốt phiên giao dịch ngày 8/6 ở mức 34.675,46 điểm, tăng 3.217,04 điểm, tương đương 10,23%. Đây là mức tăng lớn nhất trong một phiên giao dịch của chỉ số này kể từ tháng 10/1990, thời điểm chỉ số này tăng 2.676,55 điểm. Tính theo phần trăm, đây là mức tăng lớn thứ tư từ trước đến nay.
Có thời điểm trong phiên hôm nay, Nikkei 225 đã tăng tới 3.453,38 điểm, tương đương 10,98%, lên 34.911,80 và khoảng một nửa mã ghi nhận mức tăng giá hơn 10%. Đặc biệt, Honda Motor và Hitachi lần lượt tăng 14,7% và 16,6%, trong khi Tokyo Electron tăng 16,6% và Softbank tăng 12,1%.
Sàn giao dịch chứng khoán Osaka đã tạm thời dừng giao dịch hợp đồng tương lai Nikkei 225 sau 8h45 sáng (giờ địa phương) để ngăn chặn vị thế mua quá mức.
Nikkei 225 vừa trải qua một chuyến tàu lượn siêu tốc trong ba phiên giao dịch vừa qua. Hôm qua (5/8), chỉ số này giảm 12,4%, tương đương 4.451,28 điểm, đánh dấu phiên bán tháo tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán Nhật Bản.
Trong khi đó, hôm nay, JPY có thời điểm hạ xuống mức khoảng 146,30 đổi 1 USD, nhưng sau đó đã tăng lên mức 144,30 đổi 1 USD.
Ryota Abe, nhà kinh tế học châu Á tại SMBC ở Singapore nhận định: "Việc lo ngại về nền kinh tế Mỹ giảm bớt và kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất mạnh ty giúp những người tham gia thị trường bình tĩnh hơn trong phiên hôm nay".
Theo đó, báo cáo của Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố hôm 5/8 cho thấy, chỉ số PMI ngành dịch vụ của Mỹ tăng 2,6 điểm trong tháng 7, lên mức 51,4, cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế học. Mức tăng này được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong việc làm, đơn hàng và hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Ryota Abe cho biết thêm, việc tỷ giá JPY điều chỉnh qua đêm sau phiên biến động mạnh hôm qua cũng là một yếu tố giúp Nikkei hồi phục hôm nay.
Trong khi đó, Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại IG Australia, cho rằng, đợt bán tháo mạnh hôm 5/8 có thể là "hành động cuối cùng để thanh lọc các vị thế mua trong “Japan trade”, tức là mở vị thế mua cổ phiếu Nhật Bản và bán khống đồng JPY.
Daniel Hurley, chuyên gia danh mục đầu tư tại T.Rowe Price tại London, cho biết, trong tương lai, các yếu tố như xuất khẩu, chứng khoán và nền kinh tế của Nhật bản khi JPY tăng giá từ mức 160 là điều thị trường cần bắt buộc xem xét.
"Theo quan điểm kinh tế vi mô, sự cải thiện liên tục trong quản trị doanh nghiệp mà chúng tôi thấy từ các công ty Nhật Bản tao cho chúng tôi động lực. Trong khi các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Nhật Bản vẫn là thứ lành mạnh nhất mà chúng tôi có được trong 35 năm qua", Daniel Hurley lưu ý thêm.
Chính phủ Nhật Bản vẫn đang cố gắng làm dịu thị trường biến động mạnh. Khi được hỏi về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán hôm qua tại một cuộc họp báo ở Hiroshima ngày 8/6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, nền kinh tế Nhật Bản đang ở một giai đoạn mới, giai đoạn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ông đồng thời Fumio Kishida trích dẫn mức tăng trưởng tiền lương thực tế của Nhật Bản trong tháng 6 vừa được công bố là lý do chính cho sự lạc quan của ông.
Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, điều quan trọng là cần bình tĩnh đánh giá tình hình hiện tại. Đồng thời khẳng định Chính phủ nước này sẽ tiếp tục theo dõi thị trường một cách thận trọng, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và tiến hành điều hành nền kinh tế và thị trường tài chính một cách phù hợp.
Tại châu Á, nhiều thị trường chứng khoán khác cũng hồi phục theo thị trường chứng khoán Nhật Bản hôm nay. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 4%, trong khi Taiex của Đài Loan tăng 3%. Chỉ số Jakarta Composite của Indonesia và VN-Index của Việt Nam tăng gần 2%.
Quỳnh Dương