Tạm dừng phiên sáng, sàn HOSE có 287 mã tăng và 92 mã giảm, VN-Index giảm 8,08 điểm (-0,79%) xuống 1.014,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 264 triệu đơn vị, giá trị 3.983,55 tỷ đồng, giảm 9,59% về khối lượng và 17,57% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 61,98 triệu đơn vị, giá trị 945,48 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là gánh nặng chính của thị trường khi phần lớn đều chuyển đỏ với 23 mã giảm, gấp hơn 4 lần số mã tăng, chỉ số nhóm này chốt phiên sáng giảm hơn 14 điểm.
Trong đó, cổ phiếu bất động sản PDR sau phiên đảo chiều tăng nóng hôm qua đã nhanh chóng hạ nhiệt trong phiên sáng nay với mức tăng 3,1%. Ngoài ra, các mã giữ được sắc xanh khác trong rổ VN30 là POW tăng 3,3%, GAS tăng 2,1%, BID và SAB tăng nhẹ hơn 0,5%.
Ở chiều ngược lại, những đại diện của các nhóm trụ cột như thép với HPG và chứng khoán là SSI đang là các mã giảm mạnh của rổ VN30 với mức giảm tương ứng 3,4% và 3,1%.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng giảm khá sâu như MSN giảm 2,4%, VJC giảm 3%, MWG, BVH, VHM, VIC đều giảm hơn 1%.
Xét về nhóm ngành, cùng trạng thái kém tích cực của thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đi giật lùi. Ngoại trừ TVS và VDS may mắn giữ được sắc xanh với biên độ tăng khá hẹp, còn lại đều mất điểm.
Trong đó, VND giảm 3,8% xuống vùng giá thấp nhất trong phiên 14.000 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3 khi khớp hơn 9,7 triệu đơn vị. Cặp SSI và VIX cũng lùi về vùng giá thấp khi cùng mất 3,1%; HCM giảm 2,5%, VCI giảm 2,9%...
Nhóm cổ phiếu thép cũng đồng loạt giảm sâu. Bên cạnh HPG, các cổ phiếu khác như HSG và NKG cùng giảm gần 5%, POM giảm 5,7%, TLH giảm 3%, SMC giảm 3,8%. Trong đó, HPG là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 13,05 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng đồng loạt chuyển đỏ khi chỉ còn BID nhích nhẹ 0,77%, cùng VCB và HDB đứng giá tham chiếu. Trong đó, TCB, VIB, TPB, OCB giảm hơn 2%; MBB, ACB, STB, EIB, SHB, MSB, LPB giảm hơn 1%...
Trong nhóm bất động sản, không chỉ dừng lại ở top trên, nhiều cổ phiếu ở top vừa và nhỏ đã quay đầu giảm hoặc lùi sâu hơn như DIG giảm 1,6%, HPX giảm 4,6%, DXG giảm 2,6%, CII giảm 1,9%, DXS giảm 4,4%...
Nhóm cổ phiếu điện vẫn là điểm sáng nhất thị trường, trong đó GEG giữ sắc tím với lượng dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, PC1 tăng 4,3%, NT2 tăng 4,1%, KHP tăng 4,1%, POW tăng 3,3%, các mã TV2, VSH, PGV, GEX đều tăng hơn 1%.
Không chỉ tăng mạnh về giá, nhóm cổ phiếu này cũng đã góp mặt với những tên tuổi giao dịch sôi động thị trường như GEX và POW thuộc top 5 thanh khoản cao nhất, lần lượt đạt hơn 10 triệu đơn vị và hơn 6,87 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến thị trường lùi sâu. Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index giảm 2,51 điểm (-1,22%), xuống mức thấp nhất ngày 203,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 245,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,24 triệu đơn vị, giá trị 3,24 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 4,92 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên giảm 2,2% xuống mức thấp nhất của phiên 8.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã chứng khoán cũng nới rộng đà giảm như MBS giảm 3%, APS giảm 4,4%... Ngoại trừ điểm sáng EVS ngược dòng thành công khi đảo chiều tăng kịch trần và chốt phiên đứng ở mức 12.400 đồng/CP, tăng 9,7%.
Các cổ phiếu khác là CEO, HUT, NRC đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong khi NRC đứng giá tham chiếu, HUT may mắn giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ 1,4%, thì CEO đảo chiều giảm 3% xuống mức 19.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường cũng không thoát khỏi trạng thái điều chỉnh. Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,07%) xuống 70,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 12,56triệu đơn vị, giá trị 94,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,09 triệu đơn vị, giá trị 80,59 tỷ đồng.
Chỉ có cặp BSR và PVX có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, tương ứng là 1,8 triệu đơn vị và 1,49 triệu đơn vị. Tuy nhiên, chốt phiên, BSR giảm 2,2% xuống mức giá thấp nhất phiên 13.200 đồng/CP, PVX giảm 11,1% về sát giá sàn 2.400 đồng/CP.
Bên cạnh PVX, hàng loạt mã nhỏ khác như ACM, VHG, PPI, KSH, CDO cũng đồng loạt giảm sàn hoặc sát sàn.
Nguyên Nam