Chứng khoán tháng 2 dưới góc nhìn SHS: Định giá hấp dẫn, nhiều dư địa tăng trưởng

11/02/2025 - 19:26
(Bankviet.com) Trong báo cáo về Kinh tế vĩ mô & thị trường chứng khoán tháng 2/2025 công bố mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SHS dự báo trong tháng, VN-Index có thể duy trì quá trình tích lũy trung hạn trong biên độ 1.230-1.240 điểm đến 1.280-1.300 điểm.

Dưới áp lực điều chỉnh, thị trường phân hóa mạnh

Trong tháng 1/2025, VN-Index chịu áp lực điều chỉnh trong hai tuần đầu và lùi về vùng giá 1.220 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã ghi nhận sự phân hóa tích cực tại vùng giá này, giúp VN-Index hồi phục trong hai tuần cuối tháng và đóng cửa ở mức 1.265,05 điểm, giảm nhẹ 0,14% so với tháng trước.

Sự sụt giảm chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, với VN30 giảm 0,53% do áp lực bán ròng từ khối ngoại. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (VNSML) cũng giảm mạnh 2,05%. Trong khi đó, nhóm vốn hóa trung bình (VNMID) có diễn biến tích cực hơn với mức tăng 0,37%, cho thấy dòng tiền đang có sự dịch chuyển ngắn hạn.

Thị trường tiếp tục ghi nhận sự phân hóa mạnh trong tháng 1, với thanh khoản giảm đáng kể so với mức trung bình. Trên UPCoM, thanh khoản giảm mạnh 28,1% so với tháng trước, xuống còn 676,1 tỷ đồng/phiên, chủ yếu do cổ phiếu BSR chuyển sang giao dịch trên HoSE. Trên HNX, thanh khoản giảm 22% xuống 759,1 tỷ đồng/phiên. Riêng HoSE ghi nhận giá trị giao dịch trung bình đạt 11.389,9 tỷ đồng/phiên, mức thấp nhất kể từ năm 2021, phản ánh áp lực giảm dư nợ ký quỹ khi thị trường có kỳ nghỉ lễ dài.

Chứng khoán tháng 2 dưới góc nhìn SHS: Định giá hấp dẫn, nhiều dư địa tăng trưởng

Dòng tiền tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) sau ba tháng tăng liên tiếp đã giảm mạnh về giá trị giao dịch bình quân 1.296,0 tỷ đồng/phiên (-29,9%). Nhóm vốn hóa trung bình (VNMID) giảm 25,4%, xuống mức 4.211,0 tỷ đồng/phiên, trong khi nhóm vốn hóa lớn (VN30) có bốn tháng liên tiếp suy giảm về thanh khoản (-17,2%), đạt 5.451,6 tỷ đồng/phiên.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong tháng 1 với giá trị 6.504,3 tỷ đồng trên HoSE, nâng tỷ trọng giao dịch lên 12%, cao hơn mức trung bình ba năm (9,2%). Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn duy trì mua ròng tháng thứ năm liên tiếp, với giá trị 3.059,5 tỷ đồng. Tổ chức trong nước cũng ghi nhận mua ròng 3.426,7 tỷ đồng, góp phần cân bằng áp lực bán ròng từ khối ngoại.

Chứng khoán tháng 2 dưới góc nhìn SHS: Định giá hấp dẫn, nhiều dư địa tăng trưởng

Thị trường tháng 1/2025 ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Nhóm ngân hàng có diễn biến tích cực với LPB (+15,5%), SSB (+11,3%), VIB (+5,0%) đóng góp quan trọng vào sự hồi phục của thị trường. Một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 4/2024 tăng trưởng mạnh như GEX (+14,1%), FRT (+9,3%), SJS (+25,0%) cũng có mức tăng giá ấn tượng.

Ngược lại, một số cổ phiếu chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại và kết quả kinh doanh kém tích cực như HDB (-8,4%), BSR (-7,2%), NVL (-15,6%), VNM (-4,0%) lại tác động tiêu cực đến VN-Index.

Trong khi đó, nhóm ngành xây dựng và vật liệu (+4,3%) ghi nhận dòng tiền khá tích cực nhờ xu hướng đầu tư công và các dự án hạ tầng lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm ngành khác đều giảm thanh khoản, đáng kể nhất là y tế (-42,7%), hàng cá nhân và gia dụng (-40,2%), hóa chất (-38,1%), tài nguyên cơ bản (-34,5%).

Chứng khoán tháng 2 dưới góc nhìn SHS: Định giá hấp dẫn, nhiều dư địa tăng trưởng

Dự báo diễn biến VN-Index tháng 2/2025

Kết thúc tháng 1, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng trung dài hạn, đồng thời giữ trên đường hỗ trợ tâm lý mạnh tại đường trung bình 200 phiên.

Chứng khoán tháng 2 dưới góc nhìn SHS: Định giá hấp dẫn, nhiều dư địa tăng trưởng
VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng trung dài hạn, đồng thời giữ trên đường hỗ trợ tâm lý mạnh tại đường trung bình 200 phiên

Theo SHS, thị trường đang nhận được sự hỗ trợ từ một số yếu tố vĩ mô như: Nền kinh tế tăng trưởng ổn định, với kỳ vọng GDP trung bình lớn hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025-2030; Lãi suất duy trì ở mức thấp, giúp dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán; Kỳ vọng nâng hạng thị trường trong thời gian tới.

SHS cũng cho rằng, thị trường đang có mức định giá hấp dẫn, với P/E VN-Index ở mức 14,83, thấp hơn trung bình 10 năm (16,6x) và trung bình 5 năm (17,1x). P/E Forward ở mức 11,9x cho thấy thị trường vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đối diện với một số rủi ro như: Khối ngoại tiếp tục bán ròng khi chênh lệch lãi suất còn cao và thị trường chưa có nguồn cung chất lượng mới; Tỷ lệ dư nợ ký quỹ ở mức cao, tạo áp lực giảm điểm khi thị trường điều chỉnh; Căng thẳng địa chính trị toàn cầu có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư; Chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là khả năng áp thuế mới đối với nhiều quốc gia, có thể ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với những luậN điểm trên, SHS dự báo trong tháng 2/2025, VN-Index có thể duy trì quá trình tích lũy trung hạn trong biên độ 1.230-1.240 điểm đến 1.280-1.300 điểm. Xu hướng thị trường sẽ trở nên tích cực hơn khi VN-Index vượt kháng cự trung hạn, nối dài xu hướng tăng kể từ tháng 3/2024. Nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến từ chính sách của chính quyền Trump, đặc biệt là tác động đến tỷ giá và dòng vốn ngoại.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) có Chủ tịch mới, hướng đến mục tiêu bứt phá trong năm 2025

Ngày 7/2/2025, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại ...

ABS Research gọi tên 3 cổ phiếu giàu tiềm năng tăng giá ngành bất động sản khu công nghiệp

Trong báo cáo chiến lược về thị trường chứng khoán tháng 2, bộ phân phân tích của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS Research) ...

Chuyên gia VPBankS: VN-Index có thể chạm mốc 1.300 điểm trong nửa đầu 2025

Thanh khoản VN-Index tăng mạnh, vượt 10.000 tỷ đồng trong phiên 10/2, mở ra cơ hội chinh phục mốc 1.300 điểm. Chuyên gia chứng khoán ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán