Chứng khoán Việt Nam tròn 25 năm: Khẳng định vai trò trụ cột tài chính quốc gia
Tròn 25 năm hình thành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vươn lên trở thành trụ cột tài chính quốc gia với hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa gần 100% GDP. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định thị trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ hạ tầng công nghệ hiện đại, khung pháp lý hoàn thiện và nỗ lực nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Sáng 28/7, tại TP.HCM, Bộ Tài chính tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và công bố vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của TTCK Việt Nam, thể hiện tầm vóc của một thị trường vốn hiện đại, minh bạch và hội nhập.

Từ khởi đầu khiêm tốn đến kênh dẫn vốn trọng yếu
Cách đây tròn một phần tư thế kỷ, ngày 20/7/2000, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chính thức được thành lập. Đến ngày 28/7 cùng năm, TTCK Việt Nam ghi dấu phiên giao dịch đầu tiên – bước khởi đầu khi thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết và quy mô vốn hóa chưa đầy 0,2% GDP.
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế. Tính đến nay, thị trường đã có trên 1.600 doanh nghiệp tham gia niêm yết và giao dịch, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP. Hơn 10 triệu tài khoản đầu tư cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước đã tham gia, cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của thị trường này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “TTCK đã góp phần huy động hàng triệu tỷ đồng phục vụ đầu tư phát triển, khẳng định vai trò là một trong ba trụ cột tài chính quốc gia, cùng với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm”.
Bản lĩnh vượt thăng trầm, nền móng hội nhập
Trong 25 năm qua, TTCK Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn biến động, từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến các cú sốc địa chính trị nhưng vẫn giữ vững đà phát triển. Cấu trúc thị trường ngày càng hoàn thiện; khuôn khổ pháp lý được nâng cấp; hạ tầng công nghệ liên tục được đầu tư. Hệ thống tổ chức trung gian, sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng hóa mạnh mẽ.
Sự kiện ra mắt hệ thống công nghệ thông tin mới trong lễ kỷ niệm sáng 28/7 được đánh giá là một bước tiến lớn về hạ tầng, giúp tăng năng lực vận hành và giám sát thị trường trong giai đoạn mới.
“TTCK Việt Nam đã phát triển bản lĩnh, bền bỉ và hội nhập sâu rộng với thị trường khu vực và thế giới”, Bộ trưởng nói. Ông cũng ghi nhận sự đồng hành của các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư, cùng nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch, Trung tâm Lưu ký trong hành trình 25 năm qua.

Bên cạnh TTCK, ngành tài chính thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong điều hành ngân sách và chính sách tài khóa. Trong 6 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán, vượt kế hoạch và đảm bảo nguồn chi cho quốc phòng, an sinh xã hội, đầu tư phát triển.
Chi ngân sách tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tích cực: tăng chi đầu tư công, giảm chi thường xuyên. Cân đối ngân sách được giữ vững, nợ công trong ngưỡng an toàn, xếp hạng tín nhiệm quốc gia tiếp tục được cải thiện. “Đây là nền tảng vững chắc để tăng dư địa tài khóa, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững”, Bộ trưởng khẳng định.
5 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy thị trường
Hướng tới chặng đường phát triển tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ 5 định hướng chiến lược cần thực hiện quyết liệt:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, minh bạch, tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo nền tảng pháp lý ổn định cho thị trường phát triển.
Thứ hai, tổ chức vận hành thị trường an toàn, hiệu quả; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng năng lực giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm để bảo vệ nhà đầu tư và củng cố niềm tin thị trường.
Thứ ba, tái cấu trúc thị trường theo hướng hiệu quả, nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng sản phẩm – dịch vụ và thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số và hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước, vừa hỗ trợ các hoạt động giao dịch và vận hành thị trường.
Thứ năm, tăng cường truyền thông, đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế, triển khai các giải pháp quyết liệt để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành và nỗ lực từ cộng đồng thị trường, TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững và hội nhập toàn diện hơn trong thời gian tới”.