Chuỗi thăng hoa của cổ phiếu công ty dược lâu đời tại Việt Nam

16/07/2024 - 18:10
(Bankviet.com) Cổ phiếu IMP của Dược phẩm Imexpharm đang trải qua những chuỗi ngày thăng hoa bất chấp thị trường chung liên tục điều chỉnh...

Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/7, cổ phiếu IMP của Công ty CP Dược phẩm Imexpharm bật tăng mạnh từ sớm và có cho mình sắc "tím trần" ngay đầu phiên sáng, với hơn 66 nghìn đơn vị được sang tay. Thị giá qua đó tăng lên 93.400 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đây đã phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, và cũng là phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu dược phẩm này.

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu IMP đã tăng hơn 25%. Còn tính từ đầu năm 2024, cổ phiếu IMP đã tăng tới hơn hơn 65%, vốn hóa thị trường qua đó tăng lên mức hơn 6.500 tỷ đồng. Mức vốn hóa hiện tại này của Imexpharm cũng đã tiệm cận vị trí thứ hai của Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN) trong nhóm doanh nghiệp dược phẩm, y tế.

Chuỗi thăng hoa của cổ phiếu công ty dược lâu đời tại Việt Nam

Nhịp tăng của IMP bắt nguồn ngay sau khi doanh nghiệp công bố nghị quyết HĐQT về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) và hủy bỏ phương án thưởng tiền cho nhân sự chủ chốt để thay thế bằng phát hành cổ phiếu cho nhân sự chủ chốt (ESOP).

Với phương án phát hành thưởng, Imexpharm sẽ phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn chủ sở hữu ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (số dư khoảng 2.085 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong quý 3-4 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Theo Imexpharm, tăng vốn điều lệ sẽ củng cố nền tảng cho công ty, hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng trong 3-5 năm tới. Imexpharm sau phát hành sẽ là công ty dược phẩm niêm yết có vốn lớn nhất, củng cố vị thế dẫn đầu và khả năng cạnh tranh. Việc phát hành cũng giúp cải thiện thanh khoản, kỳ vọng nâng cao và kích thích giao dịch tích cực hơn cho cổ phiếu IMP. Thanh khoản cải thiện dẫn đến nhận thức thị trường thuận lợi hơn về cổ phiếu IMP và nâng cao giá trị cổ đông.

Với phương án ESOP, Imexpharm cũng kỳ vọng gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu, nâng cao ý thức làm chủ và cam kết của nhân viên, thúc đẩy lòng trung thành và giữ chân nhân tài; đồng thời bảo toàn nguồn tiền mặt cho các hoạt động đầu tư mở rộng.

Chuỗi thăng hoa của cổ phiếu công ty dược lâu đời tại Việt Nam

Theo kế hoạch, Imexpharm vẫn tiếp tục chính sách thưởng bằng tiền nhân sự chủ chốt trong giai đoạn 2023-2024 và bắt đầu chính sách thưởng bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2025-2026 cho phần chưa trả theo cam kết (còn 2,24 triệu cổ phiếu chưa thưởng).

Tuy nhiên, do đợt ESOP diễn ra sau đợt chia thưởng 100%, số lượng phát hành dự kiến sẽ gấp đôi là 4,48 triệu cổ phiếu và giá chào bán sẽ giảm phân nửa còn 5.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền dự kiến huy động hơn 22 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ vốn chủ sở hữu trên báo cáo kiểm toán, dự kiến diễn ra trong quý 4/2024-1/2025 và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Imexpharm sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/7 tới đây để thực hiện lấy ý kiến cổ đông liên quan đến 2 phương án tăng vốn trên. Nếu thực hiện thành công cả 2 phương án phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 770 tỷ lên 1.585 tỷ đồng.

Imexpharm cũng vừa chốt danh sách cổ đông đăng ký cuối cùng để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 20%. Công ty dự kiến chi 70 tỷ để trả cổ tức tiền mặt 10%, đồng thời phát hành thêm 7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.

Trong báo cáo mới đây của ACBS, IMP đang lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy mới - IMP5, tập trung vào các loại thuốc dành cho các bệnh phức tạp hơn (vd: tim mạch, tiểu đường, v.v.), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027. Nhà máy IMP1 chiếm tỷ trọng đóng góp doanh thu lớn nhất trong quý 1/2024 (42%), tiếp theo là IMP3 (35%), IMP2 (14%), IMP4 (5%) và khác (4%). Sản phẩm chủ đạo của các nhà máy này là kháng sinh với nhiều dạng bào chế.

Nhà máy IMP4 đạt tiêu chuẩn EU-GMP vào năm 2022 và bắt đầu hoạt động vào quý 3/2023, dự kiến sẽ tăng tốc để đạt công suất tối đa vào cuối năm nay. Theo ACBS, Imexpharm hiện sở hữu 11 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP, nhiều nhất trong số các công ty dược Việt Nam. Việc đầu tư cho các dây chuyền chuẩn EU-GMP tạo điều kiện cho doanh nghịêp đấu thầu vào các bệnh viện.

Còn theo một báo cáo mới đây của SSI Research, Imexpharm sở hữu nhiều cụm cơ sở sản xuất hiện đại, có tiềm năng tăng trưởng mạnh thông qua các loại thuốc kê đơn chất lượng cao, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Công ty đặt kế hoạch doanh thu và LNTT năm 2024 lần lượt tăng 19% và 12% svck, thông qua việc mở rộng việc kinh doanh ra khu vực miền Bắc, tăng cường đưa thuốc vào kênh bệnh viện cũng như xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á khác,đồng thời, công ty cũng đang lên kế hoạch cho nhà máy sản xuất thứ 5 của mình.

Tiền thân của công ty dược Imexpharm là XN Liên hiệp dược Đồng Tháp, trực thuộc sở y tế Đồng Tháp. Tháng 11/1992 XN liên hiệp dược Đồng Tháp được đổi tên thành Công ty dược phẩm Đồng Tháp, Trực thuộc UBND Đồng Tháp.Tháng 11/1999 Công ty dược phẩm Đồng Tháp đổi tên thành Công ty dược phẩm TW 7 trực thuộc Tổng công ty dược VN. Tháng 07/2001, Công ty dược phẩm TW 7 chuyển thành công ty dược phẩm Imexpharm với vốn điều lệ 22 tỷ đồng

"Anh trai vượt ngàn chông gai" khuấy đảo showbiz, cổ phiếu của Yeah1 cũng nổi sóng thị trường

Cổ phiếu YEG xuất hiện những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây sau khi show truyền hình "Anh trai vượt ngàn chông ...

VNDirect (VND) tiếp tục chào bán hơn 9,5 triệu cổ phiếu “ế”

Công ty CP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc phân phối hơn 9,5 triệu cổ phiếu còn ...

Vì sao TPBank chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh hợp đồng với doanh nghiệp?

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam nhận được phản ánh của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long về ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán