Chuyển đối số - Cơ hội phát triển đột phá cho doanh nghiệp SMEs

26/05/2022 - 17:55
(Bankviet.com) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) từ sống sót đến đột phá sau dịch COVID-19. Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp SMEs vẫn còn loay hoay với quá trình này. Để giúp doanh nghiệp tiếp cận được giải pháp chuyển đổi số phù hợp, ngày 25/5, VINASA đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đối số - Cơ hội phát triển đột phá cho doanh nghiệp SMEs”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022.

"Loay hoay" với chuyển đổi số

Tầm quan trọng của chuyển đổi số là không phải bàn cãi. Theo báo cáo của DBT Center, chưa có thống kê doanh nghiệp nào “chết” khi chưa chuyển đổi số nhưng 60% doanh nghiệp sẽ “chết” nếu không chuyển đối số trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số SMEs, VINASA, khẳng định, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu suất công việc, triển khai các mô hình kinh doanh mới, tăng trải nghiệm khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và là cơ sở giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Việt Nam đã bắt đầu bàn về chuyển đổi số từ năm 2018. Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành một khái niệm phổ biến, một vấn đề nóng được nêu trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn doanh nghiệp SMEs đang loay hoay chuyển đổi số, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong khi đó, doanh nghiệp SMEs chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một khảo sát của VINASA năm 2020 cho thấy, có tới 92% doanh nghiệp được hỏi không biết cách thức chuyển đổi số như thế nào, 72% không biết bắt đầu chuyển đổi số từ hoạt động nào của tổ chức và 69% không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai.

Bà Nguyễn Hà Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, CTCP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI, cũng cho biết, từ kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số của FSI có thể thấy, thực trạng chung hiện nay là các doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, không có lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, quản lý và điều hành thủ công, dữ liệu phân mảnh và chưa được số hoá, sử dụng quá nhiều công cụ phần mềm và quyết tâm từ ban lãnh đạo chưa triệt để.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn, bà Giang cho rằng, các doanh nghiệp SMEs muốn chuyển đổi số thành công thì cần bắt đầu thay đổi từ bộ máy lãnh đạo. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần đồng thuận và quyết tâm với chuyển đổi số, đồng thời đề ra chiến lược tổng thể. Tiếp đó, cần lập kế hoạch và lộ trình theo từng giai đoạn, xây dựng, triển khai các kế hoạch đó trong thực tiễn. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng kho dữ liệu tổng thể và ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, Blockchain, Cloud để đưa ra các mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

Với kinh nghiệm giúp hàng nghìn doanh nghiệp chuyển đổi số trên toàn quốc, ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc Chuyển đổi số khối SMEs, Tập đoàn VNPT, cho biết: “Khi chuyển đổi số, lãnh đạo số là yếu tố đứng đầu. Chúng tôi quan niệm rằng, chuyển đổi số thực chất chuyển đổi về kinh doanh nhiều hơn là phần số. Lãnh đạo ở trung tâm quá trình chuyển đổi số và gồm 4 trụ cột chính xoay quanh, bao gồm khách hàng, nhân viên, hoạt động, sản phẩm. Đây cũng chính là khung chuyển đổi số mà VNPT xây dựng cho doanh nghiệp SMEs”.

Khung hướng dẫn chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, những thực trạng và rào cản trong quá trình chuyển số cho thấy sự cần thiết phải có khung chuyển đổi số dành cho khối SMEs, giúp cho các doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số, bắt đầu từ đâu, làm những gì, lộ trình ra sao, đồng thời phù hợp với quy mô, loại hình từng doanh nghiêp. Sau khi xác định được chiến lược và quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng cần biết cách chọn giải pháp và nhà cung cấp phù hợp trên thị trường

Kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn, thực trạng, xu hướng phát triển của từng ngành nghề và tham khảo mô hình tham chiếu, 26 lĩnh vực đã được VINASA lựa chọn để xây dựng khung chuyển đổi số phù hợp nhất với SMEs của Việt Nam.

Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho mỗi lĩnh vực bao gồm 5 phần cơ bản. Phần 1 là thực trạng và xu hướng phát triển. Đưa ra cái nhìn cái nhìn tổng thể về thực trạng, mô hình, loại hình doanh nghiệp trong từng lĩnh vực và quan trọng hơn là đưa ra được những xu hướng phát triển của ngành đó trong thời gian tới.

Phần 2 là khung hướng dẫn chuyển đổi số, đây là phần quan trọng nhất với bộ giải pháp chuyên dụng là các giải pháp chỉ ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới cần sử dụng. Bộ giải pháp này được chia làm 3 cấp độ. Đây chính là 3 cấp độ chuyển đổi số cho một doanh nghiệp, bao gồm: sẵn sàng, phát triển, đột phá.

Ở cấp độ sẵn sàng, các hoạt động thiết yếu như kinh doanh/bán hàng, sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng đều sử dụng nền tảng, giải pháp số. Cấp độ phát triển hướng đến ứng dụng chuyển đổi số giúp tự động hóa nâng cao năng suất. Cấp độ đột phá sử dụng data, bigdata, AI để phân tích dự báo kinh doanh, từ đó phát hiện thị trường mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới giúp doanh nghiệp phát triển đột phá.

Phần 3 của khung chuyển đổi số là bộ giải pháp. Đây chính là sự khác biệt trong trong các tài liệu hướng dẫn của VINASA, ứng với mỗi công cụ các doanh nghiệp SMEs cần trong các cấp độ chuyển đổi số, VINASA đã xây dựng một bộ giải pháp kèm theo. 

Phần 4 là khuyến nghị kỹ năng số cần đào tạo. Chuyển đổi số thành công hay không thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy, tất cả các tài liệu của VINASA đều đưa ra khuyến nghị những kỹ năng số cần được đào tạo cho các lãnh đạo, cán bộ nhân viên. Các nhân sự được phân loại theo yêu cầu hệ thống và theo trình độ để cần đào tạo. 

Phần 5 là bộ tiêu chí đánh giá để các doanh nghiệp SMEs có thể tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình.

“Với khung chuyển đổi số này, chúng tôi hy vọng, doanh nghiệp SMEs sẽ biết được cách bắt đầu từ đâu, tự đánh giá được tình hình chuyển đổi số của mình cũng như lựa chọn được các sản phẩm, giải pháp và nhà cung cấp phù hợp với nhu cầu, giúp doanh nghiệp chuyển đổi số một cách nhanh nhất”, ông Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh.

Theo: