Chuyển đổi số ngân hàng: Thanh toán điện tử đạt 830 nghìn tỷ VND/ngày

08/05/2024 - 18:30
(Bankviet.com) Một trong những kết quả nổi bật mà chuyển đổi số ngành Ngân hàng mang lại là hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VND/ngày.
Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng nhanh hơn 3-5 năm Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân

Sáng 8/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.

Chuyển đổi số ngân hàng: Thanh toán điện tử đạt 830 nghìn tỷ VND/ngày
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số

Trên 95% số lượng giao dịch ngân hàng được xử lý trên kênh số

Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, triển khai tầm nhìn của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020), tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định chủ đề chuyển đổi số năm nay là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Trên cơ sở đó và tiếp tục phát huy những thành quả, nhiệm vụ đạt được trong “Năm dữ liệu số quốc gia 2023”, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn chủ đề thông điệp “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” cho sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

“Với chủ đề này sẽ hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và định hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng với việc lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Song song đó, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn;...

Theo người đứng đầu ngành Ngân hàng, những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số. Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VND/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày. Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc CMCN 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp.

“Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực Asean”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Chuyển đổi số ngân hàng: Thanh toán điện tử đạt 830 nghìn tỷ VND/ngày
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc sự kiện

Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thông tin thêm về kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó có nhiều tổ chức tín dụng đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy. Về làm sạch dữ liệu: 24 tổ chức tín dụng đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.

6 nhiệm vụ, giải pháp cho chuyển đổi số

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên tập trung vào một số công việc:

Thứ nhất, rà soát đánh giá kết quả, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 810/QĐ-NHNN để sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho toàn ngành;

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Thứ ba, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN

Thứ tư, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và và chú trọng công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng.

Thứ năm, thống nhất chỉ đạo toàn ngành sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích tới người dân, doanh nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.

Một số hình ảnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024:

Sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 có 16 gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ, sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Triển lãm mở cửa rộng rãi đón khách tham quan từ 8h - 18h ngày 8/5/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương