Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Góp phần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

01/10/2024 - 00:35
(Bankviet.com) Với sự đầu tư lớn về tài chính, công nghệ, con người… thời gian qua, ngân hàng luôn là ngành tiên phong trong chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
digital-banking(1).jpg

Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng như: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Bên cạnh đó, các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện họp báo công bố "Ngày thẻ Việt Nam 2024 " tổ chức ngày 26/9, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đang có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thanh toán tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh với mục tiêu khách hàng là trung tâm, nhiều lựa chọn, dịch vụ được cá nhân hóa tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật, qua đó góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, doanh nghiệp.

"Đến nay, cả nước có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động", ông Phạm Anh Tuấn thông tin.

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến nay, có hơn 87% người trưởng thành mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, với tổng 180 triệu tài khoản và 138 triệu thẻ ngân hàng. Số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 1,8 triệu đơn vị, cùng mạng lưới thanh toán chấp nhận mã QR đang ngày càng phủ rộng nhanh chóng. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch, với tổng giá trị 134,9 triệu tỷ đồng, (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị.

Quá trình chuyển đổi này đã hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm-dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa; đẩy mạnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần to lớn vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.

Hướng tới hệ sinh thái số toàn diện

Song song với việc phát triển các sản phẩm - dịch vụ thanh toán điện tử, các ngân hàng còn tập trung đẩy mạnh các tiện ích đa dạng, kết nối liên thông với các ngành, lĩnh vực khác nhằm thiết lập một “hệ sinh thái số” toàn diện, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Theo đó, các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ, giữ an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Điển hình là dịch vụ xác thực sinh trắc học, thanh toán qua mã QR, giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động…

Nhiều ngân hàng cũng tích cực hợp tác với doanh nghiệp Fintech, triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán…, tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính.

Là ngân hàng thương mại sở hữu 100% vốn Nhà nước và giữ vai trò chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, Agribank thông tin, nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking sau khi đưa vào triển khai ứng dụng được đông đảo khách hàng tin dùng như: Mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán bằng mã VietQR, ATM đa chức năng (CDM) với chức năng nạp tiền tự động và gửi tiền trực tuyến, mô hình Ngân hàng số Agribank Digital, chức năng rút tiền bằng QRCode,…

Theo dữ liệu từ Agribank, giao dịch tự động của ngân hàng chiếm tới 91,97% tổng số giao dịch. Hiện Agribank có gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 16 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh Mobile Banking.

Riêng khu vực Tây Nam Bộ có gần 3,9 triệu tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 2,9 triệu thẻ ATM khách hàng sử dụng, gần 2,6 triệu tài khoản có sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh Mobile Banking với các dịch vụ Agribank Plus, ebanking, SMS banking,…

Còn tại Vietcombank, ngân hàng luôn mở rộng đầu tư nâng cấp, đổi mới và phát triển hạ tầng công nghệ thông qua việc dành ngân sách đầu tư đủ lớn hàng năm và tăng cường nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đảm bảo tính ổn định và sẵn sàng của hệ thống; đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ bảo mật, hoạt động ổn định và đồng nhất, luôn kết nối thông suốt với trang thiết bị và giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Vietcombank đã tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ hơn 50 dự án chuyển đổi nâng cao năng lực quản trị điều hành hướng tới chuẩn mực quốc tế, giúp cải tiến mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, quản trị rủi ro hiệu quả như Basel II, Core Banking, CTOM, ERP, RTOM...

Tại VietinBank, nhằm đẩy nhanh triển khai chuyển đổi số toàn diện, ngân hàng tập trung vào các sáng kiến nền tảng về công nghệ thông tin thông qua việc đầu tư về hạ tầng, công nghệ, dữ liệu, thay đổi cơ chế quản trị ngân hàng, áp dụng phương thức làm việc Agile. Đầu năm 2024, VietinBank đã thành lập Nhà máy số (Digital Factory) để triển khai các sáng kiến theo phương pháp làm việc Agile với mục tiêu lan tỏa phương pháp, tư duy làm việc mới, đem lại các sản phẩm số chất lượng, liên tục được cải tiến với thời gian nhanh chóng.

Theo thống kê từ VietinBank, kết thúc quý II/2024, ứng dụng VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân đã thu hút được 8,4 triệu khách hàng sử dụng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng giao dịch qua kênh iPay đạt 868 triệu giao dịch, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng giao dịch qua kênh iPay có sự cải thiện mạnh mẽ, đạt 91,2% tổng giao dịch khách hàng cá nhân (so với mức 86,6% tại thời điểm quý II/2023).

Đối với khách hàng doanh nghiệp, ứng dụng VietinBank eFAST của ngân hàng đã thu hút 244.000 doanh nghiệp sử dụng; tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 19 triệu giao dịch, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng giao dịch qua kênh eFAST đạt 83%.

Những kết quả trên và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng là minh chứng cho những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ đã được xác định tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ