Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vẫn diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ
Trong những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Mặc dù đi sau chuyển đổi xanh, nhưng trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt dưới tác động của dịch COVID-19, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng chính trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Phát biểu tại Hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh, chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả…
Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đóng góp 12% GDP, nhưng đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm.
Theo ông Lê Việt Anh, hiện nay, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã trở thành những ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới để hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế của nền kinh tế nói chung.
Bà Đỗ Lê Thu Ngọc - Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam phân tích, đối với chuyển đổi kép tại Việt Nam, có thể nhận thấy các doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa thì đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt. Còn nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ hay khối kinh doanh như các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thì gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới Chuyển đổi kép.
Chuyển đổi kép - Xu thế tất yếu của doanh nghiệp
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023 về xu hướng chuyển đổi kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép. Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%).
Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).
Phân tích từ báo cáo của WB, ông Lê Việt Anh khẳng định, chuyển đổi số chính là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh và xu hướng chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh - là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
“Hai xu hướng chuyển đổi đổi số và chuyển đổi xanh hiện nay, hay còn gọi là chuyển đổi kép, đang mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về thể chế, tài chính, công nghệ...”, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu.
Ông Scott James - Tổng Lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam chia sẻ: “Giống như Việt Nam, New Zealand đã cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Thông qua đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ, chúng tôi đang hướng đến các thực hành nông nghiệp hiệu quả, phát thải thấp hơn, nhằm cân bằng giữa năng suất và trách nhiệm môi trường”.
Lấy ví dụ từ ngành thực phẩm và sợi, ông Scott James cho biết, các doanh nghiệp ngành này tại New Zealand đầu tư vào công nghệ để cải thiện khả năng truy xuất và minh bạch. Các công cụ kỹ thuật số được sử dụng để theo dõi sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn, không chỉ xây dựng lòng tin của người tiêu dùng mà còn thúc đẩy trách nhiệm đối với các thực hành bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Nêu rõ xu hướng chuyển đổi kép trong khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ông Trường Bùi - Tổng Giám đốc Roland Berger cho biết, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA), một bước quan trọng hướng tới thị trường điện cạnh tranh. Điều này cho phép các nhà sản xuất lựa chọn nhà cung cấp năng lượng xanh và đáp ứng nhu cầu bền vững toàn cầu ngày càng tăng. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI đang đón đầu xu hướng số hóa, tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI và tự động hóa để nâng cao hiệu quả.
“Các công ty FDI hàng đầu như Samsung là minh chứng cho quá trình chuyển đổi kép này, kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo với chuyển đổi kỹ thuật số. Những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu kinh tế của Việt Nam, định vị quốc gia này là điểm đến hàng đầu của FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới”, ông Trường Bùi nói.
Cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong trên hành trình hướng tới Net-Zero, bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, HEINEKEN Việt Nam chia sẻ: “Ưu tiên của HEINEKEN Việt Nam nhằm hiện thực hóa tham vọng Net Zero là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhằm thúc đẩy những lộ trình này, chúng tôi áp dụng chiến lược “4Rs” với 4 trụ cột: Reduce - Giảm tiêu thụ năng lượng bằng các thiết bị tiên tiến và tối ưu quy trình; Replace - Thay thế năng lượng hoá thạch bằng năng lượng tái tạo; Remove - loại bỏ dư lượng phát thải bằng các dự án bù đắp carbon; Report - Báo cáo và đánh giá tác động xuyên suốt quá trình”.
Quỳnh Dương