Mục tiêu chuyển đổi số và quyết tâm của ngành Công Thương Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Công nghiệp 4.0 3 trụ cột phát triển ngành công nghiệp công nghệ số |
Ngày 14/6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0. Trong khuôn khổ diễn đàn, hội thảo chuyên đề 4 được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức cao liên tục trong nhiều năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đã hình thành một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng dần qua các năm, chiếm 41,33% GDP năm 2022.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ ở nước ta mới đi những bước ban đầu |
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận, mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 chưa hoàn thành; nền kinh tế có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
“Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đối số đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của phát triển bền vững, là mục tiêu quan trọng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam” - ông Hưng khẳng định.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình phát triển mới, phải có bước đi đột phá, tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới, tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với trọng tâm là chuyển đổi số; đồng thời chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” vì mục tiêu phát triển bền vững.
“Bước chuyển mình đó có thể được coi như là một sự “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng” - ông Hưng nói.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt ra mục tiêu “đến năm 2030 nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%” và nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải, phân phối…”.
Cụ thể hóa chủ trương đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng ra mục tiêu đến năm 2030 là: “Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao”.
Để thể chế hóa đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng và logistics là các ngành dịch vụ ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số cũng đề ra định hướng cụ thể trong việc chuyển đổi số đối với các lĩnh vực dịch vụ như: y tế số gắn kết thông suốt mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh từ trung ương tới cấp xã và với người dân; giáo dục và đào tạo tiên phong triển khai áp dụng công nghệ số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai…
Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến 2030, tầm nhìn 2045” nằm trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức |
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đề ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế.
Hơn hết, Chính phủ tích cực chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo cơ chế huy động nguồn lực tài chính, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đồng thời, thúc đẩy quá trình thay đổi tư duy, nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp để thấy được sự thiết yếu của chuyển đổi kép “xanh và số”, coi chuyển đổi số là cơ sở cho chuyển đổi xanh.
Những kết quả ban đầu…
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong quá trình số hóa, xanh hóa ngành dịch vụ, có thể kể đến đến một số lĩnh vực điển hình: Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng. Thanh toán không dùng tiền mặt cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến, phương thức thanh toán mới, ngày càng được ứng dụng rộng rãi, tăng cường sử dụng dịch vụ ngân hàng qua kênh số, làm thay đổi thói quen của người dân và góp phần minh bạch hóa thu nhập, hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
“Sự liên kết giữa ngành ngân hàng và các ngành dịch vụ khác ngày càng chặt chẽ, như ứng dụng Mobile Banking đã giúp cho khách hàng thuận tiện sử dụng cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe công nghệ, mua vé tàu xe, mua sắm trực tuyến... Fintech ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức tín dụng và các công ty công nghệ lớn” - ông Hưng cho hay.
Bên cạnh đó, giáo dục số phát triển với nhiều hình thức học, thi trực tuyến, đẩy mạnh khai thác kho học liệu số… Lĩnh vực du lịch dần chuyển dịch sang du lịch thông minh, du lịch xanh, chú trọng bảo tồn di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, dịch vụ vận tải trên nền tảng công nghệ phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức. Lĩnh vực logistics gắn với quá trình chuyển đổi số để tối ưu hóa các quy trình, mô hình quản lý vận tải, đơn hàng, kho bãi…
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ: Nhiều lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng |
Một số ứng dụng công nghệ số trong hoạt động dịch vụ môi trường đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong việc tái chế, phân loại nguồn thải để xanh hóa và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp.
“Đặc biệt, một số mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn hình thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại, bao trùm và bền vững” - ông Hưng nhấn mạnh.
5 vấn đề lớn cần được giải quyết
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong quá trình số hóa, xanh hóa ngành dịch vụ, xong lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận, quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ ở nước ta mới đi những bước ban đầu, kết quả đạt được tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; các lĩnh vực dịch vụ khác đặc biệt là văn hóa, y tế, giáo dục… phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Theo ông Hương, hiện có 5 vấn đề lớn đang đặt ra như: Vấn đề thể chế; nguồn lực tài chính đầu tư, kể cả từ khu vực công và khu vực tư; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; vấn đề về an ninh, an toàn thông tin mạng;… cần được giải quyết.
“Là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương lớn về kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức quốc tế để đánh giá sâu sắc hơn về kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành dịch vụ; để từ đó có những kiến nghị, đề xuất về các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam” - ông Hưng nêu vấn đề và đề nghị.
Tại hội thảo, đại diện cơn quan quan lý nhà nước, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận, làm rõ vai trò và đánh giá thực trạng quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ ở nước ta trong thời gian qua; đồng thời đi sâu vào phân tích các vấn đề đang đặt ra cho chuyển đổi số của Việt Nam.
Lan - Anh