Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp dệt may vững chân tại thị trường EU

28/12/2023 - 18:12
(Bankviet.com) Chuyển đổi xanh không còn là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu đối với nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là dệt may trước yêu cầu phát triển chung của toàn cầu.
Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu Lợi ích từ chuyển đổi xanh Chuyển đổi xanh được xem là tất yếu và sống còn cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thách thức không nhỏ

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dệt may là một trong các ngành công nghiệp luôn phải chịu áp lực hàng đầu trước xã hội và người tiêu dùng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, xanh hóa ngành dệt may đang là cuộc đua của nhiều nhãn hàng may mặc trên thế giới với hàng loạt các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường được đưa vào áp dụng cho các nhà cung cấp. Vì vậy, các quy định của các thị trường nhập khẩu may mặc lớn (như châu Âu và Mỹ) sẽ ngày càng khắt khe hơn và khiến các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đứng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không thực hiện đầu tư chuyển đổi.

Để củng cố thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, các doanh nghiệp trong nước cần phải có định hướng chiến lược chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả để tăng sức cạnh tranh và vững chân tại các thị trường Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đứng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không thực hiện đầu tư chuyển đổi

Từ thực tế, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe; đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD).

“Các quy định này đang dần trở thành luật và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện và tuân thủ. Do đó, doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không tuân theo, khi khách hàng lựa chọn dựa trên tiêu chí xanh, doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ”, bà Mai cho hay.

Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Trong khi đó, hơn 80% doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ tại Việt Nam thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh. “Nhiều quy định về chứng chỉ LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái… khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi”, bà Mai khẳng định, đồng thời cho biết, với một doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ, để đáp ứng tất cả các quy định này là không dễ dàng khi chuỗi cung ứng hiện đang rất phức tạp.

“Một ví dụ điển hình là khi tạo ra một phẩm, doanh nghiệp cần có nhiều nguyên liệu và công đoạn. Bông được chế biến thành sợi rồi đến công đoạn may. Như vậy, khi một doanh nghiệp xuất khẩu quần áo thì việc tra soát nguồn gốc không chỉ dừng lại ở nhà máy sản xuất mà còn phải tra soát cả những nguyên phụ liệu đầu nguồn của sản phẩm”, bà Mai nêu.

Hội chợ sẽ có nhiều giải pháp cho ngành dệt may và kết nối mạng lưới dệt may - Ảnh: Messe Frankfurt
Doanh nghiệp dệt may cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh

Chủ động tuân thủ quy định

Theo bà Lành Huyền Như, Quản lý dự án Chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK Việt Nam), EU là thị trường tiềm năng cho ngành dệt may Việt Nam với quy mô nhập khẩu hơn 210 tỷ USD năm 2022, chiếm 34% tổng trị giá nhập khẩu dệt may thế giới. Trong đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam đến châu Âu đạt 5,7 tỷ USD và đây là một trong bốn thị trường chủ lực của dệt may Việt Nam.

EVFTA là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh nhờ ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, Điều Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) yêu cầu các doanh nghiệp Đức phải có biện pháp hợp lý kiểm soát rủi ro liên quan đến con người và môi trường phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đặc biệt, khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với khía cạnh bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU”, bà Như chia sẻ.

Cùng chung quan điểm bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định, EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam. Song, đây cũng là những ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU. Theo đó, kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt.

“Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đồng thời tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Thúy khẳng định.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương