Chuyên gia kinh tế ADB ‘hiến kế’ thúc đẩy tăng trưởng GDP

20/04/2025 - 01:37
(Bankviet.com) Hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam kích thích tiêu dùng nội địa, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới Tăng trưởng GDP 2025: Việt Nam còn nhiều 'cửa sáng' Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Chuyên gia khuyến nghị gì?

Tăng trưởng tích cực nhưng còn nhiều áp lực

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

Tăng trưởng GDP quý I/2025 dù đạt được những tín hiệu tích cực, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 vẫn là một thách thức đối với Việt Nam.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng GDP quý I/2025 của Việt Nam vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố vào đầu tháng 4/2025?

Ông Nguyễn Bá Hùng: GDP quý I/2025 của Việt Nam theo công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) là tăng 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả này được đánh giá là cao nhất trong quý I trong giai đoạn 2020-2025.

Động lực cho tăng trưởng GDP quý I/2025 đến từ nhiều yếu tố như xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp, tăng trưởng tín dụng… Một động lực không thể không nhắc đến đó là những động thái trong cải cách bộ máy, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.

Thế nhưng, nếu nhìn vào các động lực tăng trưởng của quý I/2025 có thể khẳng định, quý II/2025 rất khó để đạt được mức tăng trưởng này. Vì nhiều động lực trong quý I sẽ không còn là động lực trong quý II, nhất là yếu tố thương mại. Điều này khiến triển vọng tăng trưởng GDP cả năm 2025 đạt 8% trở lên theo mục tiêu đề ra là không dễ dàng.

Theo đó, để cải thiện được tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, đòi hỏi Chính phủ phải thực hiện các cải cách tương đối mạnh mẽ nhằm bù đắp lại những thiếu hụt có khả năng xảy ra trong thời gian tới.

Ngành thép dự kiến được hưởng lợi nhờ xu hưởng đẩy mạnh đầu tư công
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho người lao động gia tăng thu nhập. Ảnh minh hoạ

Tập trung các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng và triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô khoảng 500.000 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy đầu tư vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạ tầng chiến lược. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là gói tín dụng lớn nhất từ trước tới nay và sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Mặc dù gói tín dụng 500.000 tỷ đồng mới đang trong quá trình xây dựng và chưa có đủ các thông tin chi tiết về việc triển khai, nhưng theo quan điểm của tôi, nếu thực thi hiệu quả sẽ tạo động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng tới.

Tại sao như vậy, vì nói về phương hướng, tôi cho rằng, gói tín dụng phù hợp với mục tiêu chung là kích cầu trong nước, việc kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ có tác động tích cực đối với tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cũng là mục tiêu đúng hướng để nâng cao sức cạnh tranh về trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Khi hạ tầng đầu tư được tốt hơn, kéo theo việc giảm các chi phí vận hành, chi phí logictics cho nền kinh tế thì là tín hiệu rất tốt.

Ngoài ra, định hướng về tăng cường chi tiêu vào đổi mới sáng tạo cũng rất phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tập trung vào đầu tư phát triển cũng là phù hợp, vì chi cho đầu tư phát triển của Việt Nam đang ở mức tương đối thấp, chỉ có 0,4% GDP.

Về quy mô, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ chiếm từ 4 - 4,5% GDP của Việt Nam, quy mô này cũng hoàn toàn nằm trong không gian tài khóa và Chính phủ hoàn toàn có thể cân đối được.

Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ước đạt dưới 36% GDP. Nếu cộng thêm khoảng 4 - 4,5% GDP từ gói tín dụng 500.000 tỷ đồng, thì ngay cả trong kịch bản Chính phủ phải vay toàn bộ khoản này, nợ công cũng chỉ vượt ngưỡng 40% GDP - vẫn nằm cách khá xa trần nợ công cho phép là 60%. Điều này cho thấy, dư địa tài khóa của Việt Nam còn khá rộng, đủ khả năng cân đối và huy động nguồn lực. Vì vậy, đây được xem là một giải pháp tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Thế nhưng, để đạt được hiệu quả thực tế, kích thích tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải chú trọng vào việc triển khai gói tín dụng hiệu quả và nhanh chóng, nếu việc triển khai thực hiện được ngay trong năm 2025 thì kích thích tăng trưởng rất tốt. Còn nếu không thực hiện được mà kéo dài trong nhiều năm thì hiệu quả kích thích tăng trưởng cũng sẽ bị hạn chế.

Chuyên gia kinh tế ADB ‘hiến kế’ thúc đẩy tăng trưởng GDP
Các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ảnh minh hoạ

- Ngoài đầu tư cho hạ tầng, đầu tư cho khoa học - công nghệ, Chính phủ Việt Nam cũng tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng trong nước nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngoài các giải pháp này, theo ông Việt Nam cần có những biện pháp hỗ trợ nào để kích thích tiêu dùng nội địa trong thời gian tới?.

Ông Nguyễn Bá Hùng: Việc giảm thuế VAT sẽ có tác dụng tích cực, hỗ trợ cho sức mua của người dân. Thế nhưng theo tôi, biện pháp tích cực hơn sẽ là tăng cường các cải cách hỗ trợ nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân.

Vậy thì các chương trình hỗ trợ và các khoản chi cho đầu tư công sẽ tạo tác động lan tỏa, bởi nó tăng cường cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, do đó tăng được thu nhập cho người dân, nên đây là một kênh hỗ trợ rất tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, chúng ta cần có thêm các hỗ trợ liên quan đến phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo kỹ năng cho người lao động để họ có thể chuyển sang hoạt động ở những ngành, lĩnh vực khác và tạo ra nhiều việc làm hơn. Ngoài ra, cần triển khai các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội thông qua việc hỗ trợ cho những người mất việc làm hoặc trong quá trình chuyển việc để họ có thể duy trì được cuộc sống.

Có thể nói, trong các chương trình hỗ trợ, việc hỗ trợ làm gia tăng thu nhập cho người dân sẽ mang lại hiệu ứng lan toả tốt hơn, nên tôi cho rằng, Chính phủ có thể kết hợp các biện pháp linh hoạt, nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập của người dân, từ đó kích thích chi tiêu và tác động lan toả đến tăng trưởng kinh tế.

Có thể thấy, trong số các chương trình hỗ trợ, những chính sách giúp tăng thu nhập cho người dân thường tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ hơn. Do đó, theo tôi, Chính phủ nên linh hoạt kết hợp nhiều giải pháp khác nhau để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó cải thiện đời sống người dân, kích thích tiêu dùng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt mức 6,93%, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước đối diện với nhiều thách thức. Tuy vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, những tháng còn lại Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng GDP 8,3%.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương