Phát triển chợ vùng miền núi, dân tộc: Lan tỏa văn hóa vùng miền Viết tiếp câu chuyện đẹp cho cây chè Shan tuyết Hà Giang |
Thưa ông, chợ khu vực miền núi, vùng dân tộc là hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế địa phương. Ông nhận định gì về thực trạng phát triển chợ khu vực miền núi, vùng dân tộc thời gian qua?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Chợ nói chung và chợ tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa nói riêng đóng vai trò rất quan trọng vì hiện nay hàng hoá tươi sống lưu thông qua chợ chiếm đến 80%. Vì vai trò quan trọng này mà thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã xác định chợ rất quan trọng và đã có nhiều đề án, quyết định để phát triển hệ thống chợ trên toàn quốc, trong đó có chợ miền núi.
Nhờ các chính sách này, thời gian qua, tỷ trọng hàng hoá trong các chợ miền núi tăng lên, việc mua bán hàng hoá sôi động hơn và bà con được lợi trong việc kinh doanh, mua bán hàng hoá qua chợ. Hàng hoá dưới xuôi cũng được tăng cường nhiều hơn lên khu vực chợ miền núi, vùng dân tộc để giao lưu, buôn bán, phục vụ cho người tiêu dùng và mang lại lợi nhuận cho bà con thông qua việc kinh doanh buôn bán.
Bên cạnh đó, hệ thống chợ đầu mối từ chợ trung tâm đến chợ lẻ đều phát triển. Đặc biệt, chợ không phải nơi mua bán đơn thuần mà còn là nơi để giao lưu, hợp tác, phát triển văn hoá, đầu tư và du lịch địa phương. Khách nước ngoài khi đến Việt Nam rất thích đến chợ, trong đó có chợ miền núi.
Chợ miền núi là nơi để giao lưu, hợp tác, phát triển văn hoá, đầu tư và du lịch địa phương |
Tôi cho rằng thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương rất quan tâm đầu tư cho hạ tầng logistics, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, đưa công nghệ số, kinh tế số, thương mại điện tử để phục vụ đầu ra cho sản phẩm. Đây là bước tiến mới cho phát triển chợ nói chung, đặc biệt là chợ miền núi.
Cả nước chúng ta có khoảng 9.000 chợ, trong đó 70% chợ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi. Chợ cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh. Rồi đây, miền núi sẽ có siêu thị, trung tâm thương mại cho nên buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ bằng nhiều cách, về vốn, cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, liên kết, văn minh thương mại, xây dựng thương hiệu chợ.
Không thể phủ nhận rằng chợ khu vực miền núi, vùng dân tộc dù được quan tâm đầu tư, song hiệu quả chưa như kỳ vọng. Nhiều khu chợ xuống cấp, lượng hàng hoá lưu thông còn hạn chế. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Hiện nay chỉ có khoảng 20% chợ là kiên cố và tương đối tốt, còn lại 80% là chợ loại 3,4 nên điều kiện để bảo quản hàng hoá và phục vụ khách hàng, chất lượng hàng hoá, nguồn hàng hoá vẫn chưa đảm bảo. Do đó, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu đầu tư bằng nhiều giải pháp.
Thứ nhất, về vĩ mô, cơ chế chính sách phát triển chợ cần đúng, hiệu quả. Phải xác định rõ đâu là chỗ cần hỗ trợ? Đâu là nơi chỉ cần hỗ trợ một phần? Đâu là nơi cần xã hội hoá?
Thứ hai, phải có quy hoạch phát triển chợ một cách chi tiết và hiệu quả, tránh tình trạng hiện nay nhiều chợ dân sinh, chợ miền núi không có khách đến vì chợ đặt không đúng chỗ. Đây là điều vô cùng lãng phí.
Thứ ba, chợ phải có hàng hoá nên phải thúc đẩy sản xuất tại địa phương và liên kết chặt với địa phương khác để kéo hàng hoá chất lượng cao về chợ, càng đa dạng càng tốt.
Thứ tư, nâng cao chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm. Ta đang hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Chợ miền núi phải tiến gần đến chợ miền xuôi và tiến tới cạnh tranh với hệ thống siêu thị và các hình thức phân phối khác ở cùng địa bàn bằng chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Thứ năm, xây dựng niềm tin với chợ thông qua chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Phải tạo ra tệp khách hàng thân thuộc để có doanh số, doanh thu lợi nhuận, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, xây dựng, đóng góp ngân sách cho địa phương. Đây là điều rất quan trọng.
Hiện nay, chợ vùng dân tộc, miền núi vẫn chủ yếu được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách bởi doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào chợ. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách chỉ có mức độ. Theo ông, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào hạ tầng chợ ở khu vực này, cần những giải pháp gì?
Phải phân loại các loại chợ. Chợ loại 1,2,3 hoặc nằm ở khu vực đặc thù, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo… thì nhà nước hỗ trợ xúc tác, còn các khu vực khác thì doanh nghiệp tham gia đầu tư. Chính sách khuyến khích đầu tư theo tôi phải lâu dài, nếu chỉ 5 – 7 năm thì doanh nghiệp chưa đủ để thu hồi vốn. Chính sách phải mở rộng hơn về tiền vốn, ngân sách, khấu hao, thuế phí, miễn thuế phí…
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy những chính sách, quỹ tín dụng về chợ rất chi tiết, cụ thể và nhân văn, từ phòng cháy chữa cháy, an ninh chợ, đầu vào, văn minh thương mại rất cụ thể, có những ban bệ chịu trách nhiệm… Đây là những điều ta phải học tập phía bạn để chợ xứng đáng vai trò của nó ở miền núi.
Ví dụ chính sách thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, năng lực của ban quản lý chợ cần nâng lên để có đủ sức điều hành chợ văn minh hiệu quả, an toàn, xây dựng thương hiệu trong thời gian tới.
Đặc biệt, kinh tế hội nhập nên chợ miền núi cần được khuyến khích phát triển cùng với du lịch, văn hoá. Đồng thời, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.
Ngoài quy hoạch được xây dựng bởi Bộ Công Thương, theo tôi, vai trò của chính quyền địa phương trong quy hoạch chợ, quản lý giám sát, hỗ trợ là rất quan trọng để đảm bảo kinh tế, văn hoá an ninh quốc phòng địa phương. Khách du lịch muốn đến chợ để mua hàng và tìm hiểu văn hoá nên phải tạo ra các sản phẩm OCOP là những câu chuyện chứa đựng văn hoá. Từ đó, khuyến khích khách hàng đến với chợ, nâng cao hiệu quả chợ, giữ gìn văn hoá và phát triển kinh tế địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Phương Lan thực hiện