Chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt

04/05/2023 - 17:20
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Fed phát tín hiệu chu kỳ thắt chặt sắp kết thúc

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4, NHNN báo cáo đến nay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng.

Cụ thể, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mà Nhà nước mua lại giá 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Các ngân hàng này sẽ được Ngân hàng Nhà nước chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới.

có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm: CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank.

NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.

Hồi năm 2022, NHNN từng báo cáo cho biết, biện pháp xử lý với các ngân hàng kiểm soát đặc biệt gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn.

Tuy nhiên, điểm khó khăn lớn nhất khi xử lý các ngân hàng bị mua lại 0 đồng lâu nay là các khoản nợ và lỗ luỹ kế. Điển hình như, đến cuối 2019, OceanBank lỗ luỹ kế hơn 17.900 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 4 năm gần đây, họ đã liên tục giảm lỗ luỹ kế, năm 2021 cũng là năm lỗ thấp nhất từ 2016 đến nay.

Trong khi đó, ngân hàng Xây dựng - CBBank có lỗ luỹ kế hơn 31.000 tỷ đồng đến cuối 2019. Tính đến nay, các ngân hàng này đều nhận được sự hỗ trợ quản trị, chiến lược từ VietcombankVietinBank... sau khi bị mua lại 0 đồng.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) (hiện giữ chức Chủ tịch MB), đã có mặt và phát biểu với tư cách khách mời. "Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB", ông Lưu Trung Thái nói.

Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.

Với CBBank, Vietcombank cho biết đã tham gia hỗ trợ quản trị, điều hành và ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với nhà băng này từ năm 2014, giai đoạn khó khăn nhất.

Trong khi đó, tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của GPBank năm ngoái, điều thu hút chú ý của thị trường là sự tham gia của đại diện lãnh đạo VietinBank và VPBank. Trong sự kiện này, ông Phạm Huy Thông đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên GPBank. Ông Phạm Huy Thông từng là người gắn bó với VietinBank nhiều năm.

Tuy nhiên, cũng có những tin đồn về việc có thể VPBank sẽ tham gia nhận chuyển giao GPBank. Trong năm 2022, ngoài việc trình cổ đông việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (thương vụ này đã hoàn thành vào cuối tháng 3 vừa qua), VPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.

Về DongABank, đã có những thông tin rò rỉ có thể HDBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc. Đại hội đồng cổ đông của HDBank ngày 26/4 vừa qua cũng đã thông qua chủ trương sẽ nhận chuyển giao một ngân hàng thương mại.

Trường hợp của ngân hàng SCB

Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), NHNN đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

SCB được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.

NHNN cho biết, đến nay hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định, không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.

Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng này và hỗ trợ tổ chức tín dụng từng bước phục hồi.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán