Chuyện về một doanh nghiệp từng là biểu tượng thời kỳ bao cấp

15/02/2025 - 16:26
(Bankviet.com) Cổ phiếu TNV đang trải qua giai đoạn tăng giá ấn tượng, nhưng đi kèm với đó là những dấu hỏi lớn về yếu tố cơ bản. Trong khi quỹ đất lớn mang lại lợi thế dài hạn, hoạt động kinh doanh chính vẫn chưa thể hiện sự đột phá.

Cổ phiếu TNV của Công ty CP Thống Nhất Hà Nội tiếp tục gây chú ý khi chốt phiên giao dịch ngày 14/2 với mức tăng trần 14,88%, đạt 28.400 đồng/cổ phiếu. Đây đã là phiên tăng trần thứ bảy liên tiếp của mã này, đưa tổng mức tăng kể từ đầu tháng 2 lên tới 220%.

Chuyện về một doanh nghiệp từng là biểu tượng thời kỳ bao cấp
TNV tiền thân là nhà máy Xe đạp Thống Nhất, một thương hiệu nổi tiếng từ năm 1960, gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt

TNV chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 8/11/2024 với giá tham chiếu 8.900 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, phải đến 6/2, mã này mới có phiên giao dịch đầu tiên, ghi nhận mức tăng trần 39%. Sau đó, TNV liên tục duy trì đà tăng trần gần 15% mỗi phiên, khiến giá cổ phiếu vọt từ 8.900 đồng lên mức giá như hiện tại.

Dù tăng giá mạnh, thanh khoản của TNV lại ở mức cực thấp, mỗi phiên chỉ 100 - 400 cổ phiếu được khớp lệnh. Tuy nhiên, phiên 14/2 chứng kiến khối lượng giao dịch đột biến, đạt 2.200 đơn vị, cao gấp 22 lần so với ngày trước đó.

Trước diễn biến bất thường, Công ty CP Thống Nhất Hà Nội đã gửi văn bản giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Doanh nghiệp khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, không có biến động đặc biệt, và việc cổ phiếu tăng trần liên tục là do cung cầu thị trường, nằm ngoài sự kiểm soát của công ty.

TNV tiền thân là nhà máy Xe đạp Thống Nhất, một thương hiệu nổi tiếng từ năm 1960, gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Trải qua hơn 6 thập kỷ phát triển, Xe đạp Thống Nhất đã cung cấp hàng triệu sản phẩm xe đạp cho thị trường. Hiện tại, vốn điều lệ của Công ty đạt 237 tỷ đồng, trong đó UBND TP Hà Nội đại diện vốn Nhà nước nắm giữ 45% và Công ty TNHH Đại Hoàng Long sở hữu 41,68% vốn.

Hoạt động kinh doanh chưa thực sự khởi sắc

Dù cổ phiếu TNV tăng mạnh, nhưng tình hình tài chính của Xe đạp Thống Nhất vẫn chưa cho thấy sự đột phá đáng kể.

Năm 2019, khi nền kinh tế chưa chịu tác động từ COVID-19, công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận ròng dưới 500 triệu đồng. Đến năm 2022, lợi nhuận tăng mạnh lên gần 14 tỷ đồng, nhưng sang năm 2023, lãi ròng lại lao dốc 81%, chỉ còn 3 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận biến động, doanh thu của Thống Nhất vẫn duy trì tăng trưởng. Năm 2023, công ty đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Nửa đầu năm 2024, doanh thu đạt 60 tỷ đồng, hoàn thành 37% kế hoạch năm, còn lợi nhuận ròng chỉ đạt 300 triệu đồng, tương đương 15% mục tiêu đề ra.

Tính chung cả năm 2024, doanh thu thuần của TNV đạt gần 183 tỷ đồng, nhỉnh hơn 3% so với năm 2023. Lợi nhuận ròng phục hồi 73% lên 4,5 tỷ đồng, nhưng không đồng đều giữa các quý. Đặc biệt, trong quý IV/2024, công ty bất ngờ báo lỗ 579 triệu đồng, cao hơn mức lỗ 541 triệu đồng cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính được công ty lý giải là do tính mùa vụ trong ngành xe đạp, khi quý IV thường là giai đoạn thấp điểm. Ngoài ra, chi phí thuê kho dự trữ hàng hóa tại miền Nam cũng góp phần làm tăng chi phí vận hành, gây áp lực lên lợi nhuận.

Chuyện về một doanh nghiệp từng là biểu tượng thời kỳ bao cấp

Sở hữu hàng nghìn m2 “đất vàng” tại Hà Nội

Ngoài hoạt động sản xuất xe đạp, Thống Nhất Hà Nội còn được biết đến nhờ sở hữu và hợp tác khai thác nhiều khu “đất vàng” tại Thủ đô.

Năm 2011, công ty liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt để phát triển Thống Nhất Complex trên khu đất 17.888 m² tại số 82 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân. Dự án gồm hai tòa nhà 25 tầng và biệt thự liền kề, khởi công năm 2016 và hoàn thiện năm 2018. Hiện trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ tại đây dao động từ 65-77 triệu đồng/m².

Một khu đất khác có giá trị lớn là 198B Tây Sơn (ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, diện tích 441 m²). Công ty thuê khu đất này từ năm 1996 với thời hạn 30 năm, sau đó hợp tác với Công ty TNHH Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình để triển khai dự án Khách sạn Novotel Thái Hà. Dự án khởi công từ năm 2009, nhưng sau khi hoàn thiện phần thô, bị đình trệ trong gần 10 năm trước khi đi vào hoạt động từ tháng 10/2020.

Ngoài ra, trụ sở của Xe đạp Thống Nhất cũng nằm trên 800 m² đất tại số 10B Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm.

Công ty còn sở hữu lô 329,7 m² tại số 10 Tràng Thi, được UBND TP Hà Nội giao từ năm 1982. Năm 2015, Thống Nhất liên kết với Công ty cổ phần Địa ốc VIHA để phát triển tòa nhà văn phòng và thương mại tại đây.

Bên cạnh đó, công ty có 455 m² đất tại Cầu Giấy, đang chờ quy hoạch để đầu tư. Tại khu A2CN3, cụm công nghiệp huyện Từ Liêm, công ty thuê 10.000 m² đất từ năm 2008 với thời hạn 50 năm để làm nhà máy sản xuất.

Dù sở hữu nhiều quỹ đất giá trị, nhưng thực tế TNV vẫn chưa khai thác tối đa lợi thế này để tạo dòng tiền bền vững. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh xe đạp vẫn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận chưa ổn định.

Bên cạnh đó, việc cổ phiếu liên tục tăng trần 7 phiên liên tiếp nhưng thanh khoản cực thấp khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi về tính bền vững của đà tăng này. Thanh khoản đột biến trong phiên 14/2 có thể là tín hiệu tích cực, nhưng cũng đặt ra nghi vấn về sự tham gia của các dòng tiền đầu cơ.

Nhóm cổ đông Hodeco (HDC) tiếp tục gom cổ phiếu HUB, nâng sở hữu lên 43,55%

Hodeco (HDC) vừa mua thêm 400.000 cổ phiếu HUB, qua đó nâng sở hữu lên 43,55% vốn điều lệ tại Xây lắp Thừa Thiên Huế

Đạm Phú Mỹ (DPM) muốn chia thưởng cổ phiếu, thị giá sẽ ảnh hưởng ra sao?

Đạm Phú Mỹ (DPM) được PVN phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 6.800 tỷ đồng, tương đương 73% vốn hiện tại, thông qua chia ...

Cổ phiếu HVN bứt phá, vốn hoá có thêm 4.200 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên

Cổ phiếu HVN tăng trần phiên 14/2 lên 29.150 đồng/cp, giúp vốn hóa Vietnam Airlines vượt 64.500 tỷ đồng. HVN bứt phá sau khi hãng ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán