Ở địa phương, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương ứng cử ĐBQH trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 đại biểu được bầu, đạt tỉ lệ bình quân 2,95 lần so với số đại biểu được bầu ở địa phương (chưa tính số người tự ứng cử).
Như vậy, nếu tính cả đại biểu của Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH (205 người) thì tổng số người được giới thiệu ứng cử là 1.084 người, đạt tỉ lệ 2,17 người ứng cử/1 đại biểu được bầu.
Về số lượng người tự ứng cử, tính đến ngày 17/3/2021, sơ bộ cả nước có 77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố.
Một số địa phương có số người tự ứng cử cao là Hà Nội (30 người), TP. Hồ Chí Minh (16 người).
Như vậy, tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XV là 1.161 người, đạt tỉ lệ 2,3 người/trên 1 đại biểu được bầu.
Về ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tổng số người được giới thiệu ứng cử là 7.448 người (giảm 208 người so với tổng số được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử (7.656 người).
Về số người tự ứng cử, hiện có 47 người nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 ở 23 tỉnh, thành phố.
Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá các hội nghị hiệp thương được thực hiện đúng luật, đúng quy trình.
PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)