Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Chưa đảm bảo cả chất và lượng

15/10/2023 - 02:42
(Bankviet.com) Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra chậm so với kế hoạch là điệp khúc buồn tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, để có giải pháp cơ cấu lại phù hợp.

Đã giúp giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước

Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, khai mạc ngày 23/10 tới, báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 27 đang diễn ra.

Cơ cấu lại và phát triển DNNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch này.

Kết quả nổi bật sau gần 3 năm (2021-2023) thực hiện cơ cấu lại DNNN, về cổ phần hóa, theo đánh giá của Chính phủ, năm 2021 đã ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, ghi nhận bổ sung một DNNN thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện tái cơ cấu đến năm 2025. Ảnh: Đức Thanh
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện tái cơ cấu đến năm 2025. Ảnh: Đức Thanh

Tính đến ngày 25/4/2023, đã có 27 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Số thu từ bán vốn nhà nước của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.000 tỷ đồng; số thu từ bán vốn nhà nước năm 2022 là 3.848 tỷ đồng. Kế hoạch thu hồi vốn nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý là 3.000 tỷ đồng.

Về thoái vốn nhà nước, Chính phủ cho biết đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với tổng giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng trong năm 2021. Năm 2022, thoái vốn nhà nước tại một doanh nghiệp với tổng giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với tổng giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. Trong quý I/2023, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với giá trị là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng.

Kết quả nổi bật tiếp theo được Chính phủ nhìn nhận là, DNNN được sắp xếp lại hoạt động thực chất hơn, hiệu quả hơn. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế. Quy mô tài sản, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước tăng trưởng dương (lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 25%), tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, quá trình cơ cấu lại DNNN còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo về chất cũng như về lượng.

Những hạn chế đã trở thành điệp khúc như hiệu quả hoạt động của các DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN diễn ra chậm so với kế hoạch đã đề ra (Kế hoạch tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ: cổ phần hoá 19 doanh nghiệp; sắp xếp lại 26 doanh nghiệp, trong đó 21 doanh nghiệp sắp xếp theo phương án riêng; thoái vốn 141 doanh nghiệp).

Nguyên nhân của các hạn chế thì lại càng không mới. Đó là nhận thức của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Đó là việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức, công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn.

Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm; việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất còn hạn chế.

Chính phủ cũng đã xác định một số trọng tâm trong chỉ đạo điều hành nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, trọng tâm đầu tiên là tập trung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và DNNN có vai trò dẫn dắt, mở đường trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Thay đổi chính sách để có doanh nghiệp lớn

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc ban hành các quy định để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 360/QĐ-TTg và Nghị định số 148/2021/NĐ-CP) là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành.

Tuy nhiên, các văn bản này ban hành còn chậm. Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg được ban hành sau Nghị quyết của Quốc hội gần 8 tháng, Quyết định số 360/QĐ-TTg sau gần 16 tháng và Nghị định số 148/2021/NĐ-CP sau hơn 1 năm.

Hạn chế tiếp theo được cơ quan của Quốc hội chỉ ra là chưa có giải pháp thực sự đột phá chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm, số lượng doanh nghiệp dự kiến cổ phần hóa, thoái vốn không nhiều. “Thu cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp, số thu từ thoái vốn, cổ phần hóa hằng năm chỉ đạt khoảng 9-10% so với dự toán”, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý.

Ủy ban này cũng chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là cơ sở pháp lý chưa bao quát hết các trường hợp; vẫn còn tồn tại các khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, việc tính giá trị đất đai còn phức tạp; còn tâm lý né tránh trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức; việc xử lý tồn tại tài chính còn kéo dài...

Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các các cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, có các giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ đã được ban hành. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, nhất là trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất…, nhằm tạo hành lang pháp lý để thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

Cũng sốt ruột về tiến độ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung rõ hơn về tình hình triển khai Đề án, tiến độ triển khai Đề án tại các các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chưa được phê duyệt Đề án cơ cấu, đặc biệt là các tổng công ty, DNNN tại các địa phương. Đồng thời, báo cáo bổ sung về khả năng hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 theo Quyết định số 360/QĐ-TTg.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, DNNN cần có những tập đoàn lớn, nhưng các chính sách như tăng vốn điều lệ, sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển doanh nghiệp để lại để đầu tư tái mở rộng sản xuất hiện rất khó và như vậy khó phát triển thành các tập đoàn lớn.

Ông Tuấn đề nghị sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng để các doanh nghiệp chủ động hơn trong sử dụng nguồn lực còn lại. “Các chính sách cần thay đổi, thích ứng nhanh, thì mới có những DNNN lớn, tập đoàn lớn dẫn dắt thị trường”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Chuẩn bị trình Đề án Cơ cấu lại PVN, EVN đến năm 2025

Thông tin về tình hình thực hiện tái cơ cấu đến năm 2025 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết sẽ làm rõ thêm tác động của tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại đối với ngành dầu khí. Ngoài ra, sẽ cập nhật các mục tiêu, tầm nhìn chiến lược của Đề án cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính gắn kết, đồng bộ của Đề án với Chiến lược và Kế hoạch phát triển 5 năm của PVN và các quy hoạch ngành và trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt xem xét, phê duyệt Đề án Cơ cấu lại PVN đến năm 2025.

Ủy ban cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại EVN giai đoạn đến năm 2025, đảm bảo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán