Cơ hội VN-Index tăng lên vùng 1.200 điểm nhờ sức mạnh dòng tiền nội

17/07/2023 - 17:32
(Bankviet.com) Thị trường trong nước đang trong giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đây đang là mạch thông tin tích cực nhất hỗ trợ thị trường. Các nhịp rung lắc sau đó phục hồi ngay trong phiên như đã diễn ra ở tuần trước nhờ sức mạnh của dòng tiền nội sẽ mang tới cơ hội tăng tiếp lên vùng cản tâm lý 1.200 điểm trong tuần mới.

Chứng khoán Yuanta: VN-Index hướng về mốc 1.200 điểm trong tháng 7

Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm trong tuần vừa qua khi dữ liệu CPI cho thấy lạm phát ở Mỹ đang giảm nhanh hơn dự báo, giúp người Mỹ cảm thấy lạc quan hơn về tương lai, điều này cho thấy kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” (soft landing).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã gợi mở về việc hỗ trợ chính sách nhiều hơn cho nền kinh tế. Các ngân hàng trung ương châu Á sắp nới lỏng khi phương Tây tăng cường chống lạm phát. Chỉ số chứng khoán toàn cầu đo lường thị trường của 47 quốc gia tăng 3,38%, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 11/2022.

Cơ hội VN-Index tăng lên vùng 1.200 điểm nhờ sức mạnh dòng tiền nội
Tâm lý dò đỉnh cũng đang dần xuất hiện với nhiều cổ phiếu có thanh khoản đột biến, một phiên bùng nổ thanh khoản sẽ là tín hiệu nên thận trọng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở rộng đà tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp sau khi ngược dòng chứng khoán thế giới ở tuần trước đó. Đây cũng là tuần tăng thứ 6/7 tuần gần đây và trong 10 tuần vừa qua, thị trường đã tăng tới 8 tuần. Thanh khoản toàn thị trường được đẩy lên mức cao nhất kể từ tuần cuối tháng 4/2022. Dòng tiền nội đang bù đắp áp lực bán ròng sang tháng thứ 4 liên tiếp từ khối ngoại.

Sau khi tăng 5,2% ở quý 2, chỉ số Vn-Index đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong nửa đầu tháng 7 với mức tăng 4,3%, chốt tuần ở 1.168,4 điểm, tương đương tăng 2,67% so với tuần trước, đây cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của chỉ số này trong chuỗi tăng 8/10 tuần gần đây. Nhóm Vn30 có tuần vượt đỉnh thành công với mức tăng 2,76%, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có mức tăng lần lượt 3,22% và 2,43%. Dòng tiền lan tỏa rộng khắp ở các nhóm ngành, nổi bật là sự trở lại của nhóm cổ phiếu bán lẻ (PNJ: +9,33%, DGW: +8,7%, MWG: +8,68%,…), sản xuất đường (LSS: 9,27%, SBT: 8,33%, QNS: +7,22%,…),... trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu tác động từ cổ phiếu STB (-2,03%), LPB (-2,8%), VCB (0%), … nên có mức tăng thấp hơn so với thị trường chung dù có sự nỗ lực từ BID (+5,53%), MBB (+4,89%), HDB (+3%),…

Thanh khoản toàn thị trường bình quân đạt 21.789 tỷ đồng, tăng 21,6% so với tuần trước, đây cũng là mức thanh khoản cao nhất kể từ tuần cuối tháng 4/2022. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh cũng tăng 20,5% lên 19.134 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản bình quân quý 2 cao hơn 39% so với quý 1 và tiếp tục tăng trong nửa đầu tháng 7, đạt 19.853 tỷ đồng, tăng 25% so với mức bình quân quý 2.

Khối ngoại bán ròng 1.009 tỷ đồng trên toàn thị trường, ghi nhận tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại trở lại trạng thái bán ròng 1.005 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 3/2023 khối ngoại vẫn mua ròng hơn 7.000 tỷ đồng, sau đó là chuỗi bán ròng trọn quý 2 và lan sang tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp ở nửa đầu tháng 7 này. Tuy vậy, các quỹ ETF đã vào ròng hơn 29 triệu USD ở tuần vừa qua, ghi nhận tuần hút ròng thứ 5 liên tiếp, lũy kế từ đầu năm các quỹ ETF đã giải ngân 217 triệu USD (~ 5.058 tỷ đồng).

Theo quan điểm của MBS, bất chấp những nỗ lực nâng lãi suất từ Fed, thị trường lao động vẫn vững chắc, trong khi lạm phát hạ nhiệt dần dần. Người tiêu dùng không còn tin vào câu chuyện kể về suy thoái kinh tế nữa... Theo cuộc khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số đo lường tâm lý của người tiêu dùng tăng 13% trong tháng 7/2023, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2006. Đồng thời, chỉ số tâm lý cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” (soft landing), tức kéo giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế giảm mạnh.

Một số quan chức Fed tự tin về khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế. Đáng chú ý là dòng tiền có dấu hiệu quay thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như khu vực Đông Nam Á. Chỉ số chứng khoán theo dõi các thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tuần vừa qua tăng 5,59%, chỉ số chứng khoán khu vực Đông Nam Á theo đồng USD cũng vừa có tuần tăng 5,33%, đều là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022.

Thị trường trong nước đang trong giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đây đang là mạch thông tin tích cực nhất hỗ trợ thị trường. Các nhịp rung lắc sau đó phục hồi ngay trong phiên như đã diễn ra ở tuần trước nhờ sức mạnh của dòng tiền nội sẽ mang tới cơ hội tăng tiếp lên vùng cản tâm lý 1.200 điểm trong tuần mới. Tâm lý dò đỉnh cũng đang dần xuất hiện với nhiều cổ phiếu có thanh khoản đột biến, một phiên bùng nổ thanh khoản sẽ là tín hiệu nên thận trọng.

Về góc độ kỹ thuật, thị trường đang ở tháng tăng thứ 3 liên tiếp, chỉ số Vn-Index đã tăng hơn 16% kể từ đầu năm và 33,72% từ đáy tháng 11/2022. Vùng cản kỹ thuật của nhịp tăng này có thể đạt ở khu vực 1.228 điểm, tuy vậy vùng cản tâm lý ở khu vực 1.200 – 1.212 điểm sẽ được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn ở thời điểm này.

Lỡ nhịp tăng của VN-Index, cơ hội nào cho các nhà đầu tư cuối năm 2023?

so với vùng đáy 870 từng chạm đến vào tháng 11/2022, chỉ số VN-Index đã tăng xấp xỉ 300 điểm, tương đương 34%, trong bối ...

VN-INDEX hướng đến vùng 1.180-1.200 điểm, NĐT tránh tâm lý Fomo ở cổ phiếu đã tăng nóng

Thị trường đã có một tuần tăng điểm “mạnh hơn kỳ vọng trước đó” với 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Thanh khoản tăng mạnh ...

Nhận định chứng khoán tuần 17-21/7: Xuất hiện nhịp chốt lời ngắn hạn

Tiếp tục xu hướng tăng điểm tuần trước, VN-Index có tuần giao dịch rất tích cực với thanh khoản cải thiện mạnh và chỉ chịu ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán