Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/6, VN-Index vượt đỉnh ngắn hạn khi tăng 2,30 điểm (+0,20%), lên 1.134,33 điểm với 221 mã tăng và 194 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 721.995.093 đơn vị, thanh khoản thị trường tăng đáng kể so với phiên giao dịch hôm qua, tổng giá trị giao dịch đạt trên 14,6 nghìn tỷ đồng, tính riêng trên sàn HOSE. Đây đã là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của chỉ số từ mức 1.105 điểm ngày 19/6.
Cùng với chuỗi lên điểm của thị trường chung, cổ phiếu Novalandcũng ghi nhận nhịp hồi tích cực |
Cùng với chuỗi lên điểm của thị trường chung, cổ phiếu Novaland cũng ghi nhận nhịp hồi tích cực. Kết phiên, NVL tăng 4% lên 15.600 đồng/cp (giá cũ phiên 13/6). Đáng nói, mã có thời điểm được kéo lên mức 15.850 đồng (cao nhất 6 tháng) trước khi hạ độ cao. Khối lượng giao dịch trong phiên tăng vượt 70 triệu đơn vị.
Tạm tính sau 7 phiên, cổ phiếu NVL tăng 11,4%; dòng tiền đầu cơ đang đóng vai trò quan trọng trong nhịp hồi phục của bluechip VN30 này kể từ cuối tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, các dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại sau 9 tháng vắng bóng. Vậy, mua vào cổ phiếu NVL lúc này đã thực sự hợp lý?
Xét ở góc độ thị trường, sau 7 phiên tăng (rộng hơn là nhịp hồi mạnh 2 tháng gần nhất), VN-Index được đánh giá có thể tiếp tục duy trì sắc xanh hướng lên mức 1.145 điểm trong phiên kế tiếp.
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng, thị trường vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro ngắn và có thể gặp rung lắc mạnh trong phiên, nhất là khi nhóm cổ phiếu mid/smallcap bắt đầu bị xả bán. Cần lưu ý rằng đây cũng là thời điểm một số quỹ thực hiện chốt NAV quý 2.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và hạn chế mua mới.
Xét ở góc độ kỹ thuật cổ phiếu NVL, dù giá đã vượt mốc 15.000 đồng/cp cùng một "cây thanh khoản" đột biến, tuy nhiên NVL chưa thể vượt vùng giá cũ phiên 13/6. Cổ phiếu bất động sản này hiện giao dịch dưới đường MA200 và dòng tiền tạo lập chưa xuất hiện cho thấy xu hướng trung hạn vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Với nhịp tăng khá mạnh hơn 1 tuần qua, không ngoại trừ việc cổ phiếu Novaland sẽ gặp áp lực chốt lời ngắn hạn, nhất là từ phiên chiều 29/6 đến hết tuần khi 100 triệu cổ phiếu NVL sẽ về tài khoản nhà đầu tư.
Diễn biến giá cổ phếu NVL từ đầu năm 2023 đến nay |
Thông tin liên quan, Công ty CP NovaGroup vừa thông báo bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 1,65 triệu cổ phiếu NVL trong giai đoạn 21 - 23 và 26 - 28/6. Sau giao dịch, cổ đông này giảm lượng sở hữu tại NVL từ 539,2 triệu cổ phiếu xuống còn 537,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 27,56%).
Ở chiều chủ động, NovaGroup đã đăng ký bán 136,4 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 16/6 đến 14/7 với mục đích cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ cũng như nghĩa vụ khác. Như vậy, câu chuyện bán ra lượng lớn cổ phiếu NVL sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp tăng bền của cổ phiếu Novaland.
Thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2023
Dù khẳng định tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc song Novaland tỏ ra "rón rén" khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.531 tỷ đồng, giảm gần 15% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm gần 90%, đạt 214 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Novaland cũng cho biết sẽ không chia cổ tức cho năm ngoái lẫn năm nay dù lợi nhuận chưa phân phối còn khoảng 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng hủy phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, lợi nhuận của Novaland âm 410 tỷ đồng dù có ghi nhận doanh thu bàn giao từ các dự án như NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City, Palm City, Saigon Royal và Soho Residence. Phía doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân là doanh thu giảm mạnh tới 69% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 604 tỷ đồng).
Đáng chú ý, vấn đề mà Novaland cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp phải từ cuối năm 2022 đến nay là áp lực nợ vay. Dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn cho thấy, tại thời điểm ngày 31/3/2023, trong số 15 “ông lớn” địa ốc trên sàn chứng khoán, Novaland là doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất, lên đến 62.729 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng nợ chung.
Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực xoay vòng vốn lớn nhất khi nợ vay ngắn hạn quý I/2023 lên đến gần 30.000 tỷ đồng, một mình chiếm tới 38% tổng nợ ngắn hạn của 15 doanh nghiệp trong danh sách.
Trong diễn biến khác, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Novaland đã thông qua đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với bà Đỗ Thị Phương Lan và ông Nguyễn Trần Đăng Phước, đồng thời thông qua bầu ông Ng Teck Yow (quốc tịch Malaysia) - Tổng Giám đốc đương nhiệm vào HĐQT.
Nhìn lại kết quả năm 2022, trong khi hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với thua lỗ thì Novaland vẫn đạt 11.135 tỷ đồng doanh thu, giảm 255 so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Vấn đề của Novaland và nhiều doanh nghiệp bất động sản nói chung gặp phải trong giai đoạn cuối 2022 đầu 2023 là áp lực tài chính khi kênh huy động vốn qua trái phiếu không thực hiện được. Thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay là áp lực trả nợ, mua lại một số trái phiếu trước hạn và không có kênh huy động tiền.
Nhận định chứng khoán ngày 29/6: NĐT nên quản trị rủi ro, cẩn trọng với những thông tin bất ngờ Thị trường có diễn biến phân hóa ở các chỉ số, VN-Index đóng cửa tăng 0,35% lên mốc 1138.35 điểm. Chuyên gia nhận định, trong ... |
Nhận định chứng khoán ngày 29/6/2023: Xu hướng thị trường phái sinh Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 29/6/2023. Tạp ... |
Egroup bị công ty chứng khoán bán giải chấp 4 triệu cổ phiếu IBC Tập đoàn Giáo dục Egroup thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings bởi chứng khoán ... |
Nhật Hải