Có nên 'ôm' đất khi lãi suất đang hạ nhiệt?

21/04/2025 - 11:17
(Bankviet.com) Lãi suất giảm sâu, dòng tiền rục rịch trở lại thị trường địa ốc. Nhưng “ôm” đất lúc này là cơ hội vàng hay cái bẫy đầu tư không lối thoát?
VietinBank dành 60.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu Lãi suất, nợ xấu tác động lên kế hoạch lợi nhuận ngân hàng 2025 Ngân hàng Nhà nước: Cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất

Lãi suất giảm - cánh cửa mở cho bất động sản?

Từ cuối năm 2024 đến nay, xu hướng hạ lãi suất đã rõ rệt, khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp phát tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Mức lãi suất cho vay trung bình nhiều nơi đã giảm 1-2 điểm % so với năm trước, trong khi thanh khoản ngân hàng dồi dào, tỷ giá ổn định và CPI trong tầm kiểm soát.

Đây là những yếu tố thường được kỳ vọng sẽ “gỡ nút thắt” cho thị trường bất động sản sau thời gian dài đóng băng. Trong bối cảnh ấy, không ít nhà đầu tư bắt đầu rỉ tai nhau: “Có nên ôm đất lúc này để đón sóng hồi phục?”.

Giảm lãi suất không đồng nghĩa thị trường sẽ bùng nổ

Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như kỳ vọng. Bất động sản không phải là thị trường phản ứng tức thì với lãi suất. Việc lãi suất hạ chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để tạo nên chu kỳ tăng trưởng mới.

Thị trường bất động sản quý 2/2025 được dự báo khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Ảnh minh họa
Lãi suất ngân hàng đang hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư lăm le ôm đất. Nhưng có phải thời điểm “vàng” để xuống tiền hay vẫn còn quá sớm? Ảnh minh họa

Điều mà thị trường hiện nay thiếu không chỉ là vốn rẻ, mà còn là niềm tin. Sau cú sốc thanh khoản 2022-2023, giới đầu tư thận trọng hơn bao giờ hết, còn người mua ở thực vẫn đang do dự vì thu nhập không cải thiện đáng kể, trong khi mặt bằng giá nhà đất vẫn neo cao.

Ngoài ra, chính sách pháp lý và quy hoạch vẫn là những “ẩn số” mà không nhà đầu tư nào muốn đặt cược mù quáng. Do đó, ôm đất thời điểm này có thể là quyết định sớm nếu chỉ kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng.

Đất nền: Cơ hội hay rủi ro?

Một thực tế là dòng tiền đang bắt đầu “thám thính” lại các thị trường vùng ven, nơi giá đã giảm sâu 30-50% so với đỉnh. Những khu vực có quy hoạch rõ ràng, pháp lý sạch, hạ tầng kết nối được đẩy mạnh như Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Quảng Ninh… đang lọt vào tầm ngắm.

Tuy nhiên, mặt trái của hiện tượng này là không ít dự án “ma”, pháp lý mập mờ cũng đang tranh thủ đẩy hàng bằng chiêu trò giảm giá, chiết khấu, tặng vàng... để đánh vào tâm lý “sợ bị bỏ lỡ” của nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Nếu “ôm đất” mà không nắm vững thông tin, nhà đầu tư rất dễ rơi vào cái bẫy “đất rẻ hóa đắt”.

Chiến lược ôm đất: Không dành cho người nóng ruột

Thị trường hiện tại phù hợp với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, dòng tiền khỏe, không phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính quá lớn. Việc ôm đất lúc này cần xác định rõ mục tiêu đầu tư: Đầu cơ ngắn hạn sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn, trong khi giữ đất trung đến dài hạn tại khu vực có tiềm năng thực sự về dân cư, công nghiệp, giao thông… có thể mang lại quả ngọt sau vài năm. Đặc biệt, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế “ôm đất, ôm luôn kiên nhẫn”.

Trong bức tranh toàn cảnh, xu hướng hạ lãi suất chắc chắn là tín hiệu tích cực. Nhưng để trả lời câu hỏi “có nên ôm đất lúc này?”, nhà đầu tư cần nhìn xa hơn con số lãi suất ngân hàng. Đó là cuộc chơi của sự am hiểu thị trường, kiểm soát dòng tiền và lựa chọn điểm rơi phù hợp. Nếu bạn chỉ nghe lời đồn và lao vào vì thấy người khác bắt đầu mua thì bạn đã thua ngay từ nước cờ đầu.

CT (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương