Cụ thể, C03 đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) và các đơn vị liên quan, đồng thời ra quyết định khởi tố, lệnh bắt để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Hồng Phú - Tổng Giám đốc Casumina; Bùi Thế Chuyên, nguyên Chủ tịch HĐQT Casumina; Nguyễn Minh Thiện - Phó Tổng Giám đốc Casumina về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Ba bị can bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Casumina. (Nguồn: Bộ CA) |
Đây là động thái mới của C03 khi mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP HCM.
Trên thị trường chứng khoán, sau 3 phiên liên tiếp tăng với 1 phiên tăng trần phiên 28/5, cổ phiếu CSM lập tức giảm sàn về mức 17.400 đồng/cp trong phiên sáng 30/5. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu CSM đã tăng khoảng 20% từ mức 14.600 đồng/cp (phiên 26/4).
Diễn biến giá cổ phiếu CSM thời gian gần đây. |
Mở rộng điều tra, ngày 28/5/2024 C03 đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ Tài nguyên và Môi trường về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Cao Đại Nghĩa, Phó trưởng phòng giá đất Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (hiện là bị can trong vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn), thành viên Thường trực Hội đồng kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Giám định và Thẩm định giá Thăng Long về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Ngày 28/5, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Cao su Việt Nam và các đơn vị, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Trước đó, 8 người đã bị bắt gồm: Ông Lê Quang Thung, cựu tổng giám đốc, quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Huỳnh Trung Trực, nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR).
Ông Phạm Văn Thành, nguyên trưởng ban Kế hoạch đầu tư; bà Nguyễn Thị Gái, nguyên tổng giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Công Tài, nguyên chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Bà Rịa; Nguyễn Trọng Cảnh, nguyên phó tổng giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa.
Lê Y Linh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín; Đặng Phước Dừa, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Tín. Riêng bị can Nguyễn Thành Châu, nguyên chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Đồng Nai, được tại ngoại.
Đến nay, vụ án có 15 bị can. Bộ Công an đang mở rộng điều tra, chưa công bố sai phạm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức.
Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã chứng khoán CSM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu sụt giảm hơn 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, trong quý 1/2024, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của CSM đạt hơn 1.147 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng trong kỳ giảm 13,3% đạt hơn 999 tỷ đồng, giúp Công ty ghi nhận lãi gộp 147,5 tỷ đồng, tăng 80,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng 61,3% đạt 46,6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 177% đạt hơn 57,1 tỷ đồng. Kết quả, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 23,6 tỷ đồng, tăng trưởng 329,9%, lợi nhuận sau thuế đạt 19,6 tỷ đồng, tăng trưởng 177% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng.
Lý giải về kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua, Casumina cho biết, doanh thu trong kỳ giảm 146 tỷ đồng (giảm 11,3%) so với cùng kỳ là do thị trường nội địa vẫn chưa hồi phục, lượng tiêu thụ còn thấp. Mặt khác, do suy thoái kinh tế, khách hàng xuất khẩu đề nghị giảm giá bán. Giá vốn giảm 153 tỷ đồng (tức giảm 13,3%) là do doanh thu giảm. Doanh thu tài chính giảm 9,8 tỷ đồng tương ứng giảm 84% do yếu tố đánh giá chênh lệch tỷ giá theo quy định.
Trong kỳ chi phí tài chính công ty giảm 21% cũng do yếu tố đánh giá chênh lệch tỷ giá theo quy định. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do công ty áp dụng các chính sách khuyến mãi nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu xuất khẩu tăng so với cùng kỳ nên cước vận chuyển tăng. Công ty có những chính sách phù hợp cho nhà phân phối. Chi phí quản lý tăng 36,5 tỷ đồng (tăng 117,4%) do công ty thực hiện chính sách cho cán bộ nhân viên.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Công ty Casumina công bố kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 5.204 tỷ đồng giảm 9% so với thực hiện của năm ngoái và mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2023.
Với kế hoạch này, kết quả kinh doanh quý 1/2024 của Casumina đã hoàn thành 22% kế hoạch về doanh thu cả năm và 24,5% về lợi nhuận trước thuế cả năm.
Trong một diễn biến khác, Casumina vừa có giải trình chênh lệch số liệu tài chính năm 2023 trước và sau báo cáo tài chính kiểm toán. Theo báo cáo, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, lãi gộp về bán hàng, doanh thu hoạt động tài chính và nhiều chi phí của Casumina không có thay đổi giữa BCTC do Công ty lập và BCTC kiểm toán. Tuy nhiên, Chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán lại tăng 2 tỷ đồng, so với công ty lập, lên 196,3 tỷ đồng.
Dẫn đến, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Casumina sau kiểm toán giảm từ 64,3 tỷ đồng do công ty lập, xuống 62,3 tỷ đồng sau kiểm toán, chênh lệch hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cũng giảm 400 triệu đồng sau kiểm toán xuống 11,7 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 61,9 tỷ đồng do công ty lập, xuống 60,3 tỷ đồng sau kiểm toán, chênh lệch 1,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 2,6%.
Giải trình theo báo cáo, Casumina cho biết, chi phí quản lý doanh nghiệp sau khi kiểm toán tăng 2 tỷ đồng, do Công ty hạch toán bổ sung thêm quỹ lương cho cán bộ nhân viên; Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành giảm 400 triệu đồng tương ứng với chi phí quản lý doanh nghiệp.
Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) có tiền thân là Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam được thành lập vào năm 1976. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh săm lốp xe và các sản phẩm phụ trợ mang thương hiệu Casumina. CSM chính thức hoạt động theo mô hình Công ty CP từ năm 2006. CSM hiện có 05 Xí nghiệp sản xuất săm lốp với tổng công suất thiết kế là 14,44 triệu lốp/năm và 40,4 triệu săm/năm. Sản phẩm của Công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn JIS K6366, K6367, D4230 của Nhật Bản (tiêu chuẩn tiên tiến nhất) và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, DOT, E-Mark, SNI. CSM được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2009. |
Cao su Miền Nam (CSM): Lợi nhuận quý II/2022 giảm 16,1%, dòng tiền kinh doanh âm gần 20 tỷ đồng Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã CSM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 1.401,8 tỷ đồng, tăng ... |
Trước thềm đại hội, đại gia ngành cao su GVR có tuần "gánh team" Đà tăng giá tích cực của GVR diễn ra ngay trước thềm "đại gia" ngành cao su này tiến hành họp Đại hội đồng cổ ... |
Lợi nhuận Cao su miền Nam "lao dốc", dòng tiền tiếp tục âm trong quý I/2022 CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Mã: CSM) ghi nhận doanh thu quý I/2022 đạt 1.229 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8,15 ... |
Đức Anh