Diệp Vấn (T/H)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Gánh nặng nợ vay từ dòng tiền kinh doanh âm
Theo dữ liệu từ báo cáo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) cho thấy, CEO kinh doanh bất động sản và có quỹ đất giá trị lên đến 962.1 ha chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc (304 ha), Quảng Ninh (383 ha), Hà Nội (44 ha).
Tuy sở hữu nhiều quỹ đất lớn nhưng các chuyên viên phân tích tại SBS nhận định, khả năng triển khai dự án của CEO vẫn còn hạn chế do thiếu quy mô vốn đầu tư. Bên cạnh đó, ông lớn kinh doanh bất động sản Phú Quốc còn bị ghì chặt hoạt động bởi đại dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua.
Lũy kế 4 quý của năm 2021, CEO ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 902 tỷ đồng và 82 tỷ đồng. Với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm lần lượt ở mức 1.600 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, doanh nghiệp đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.Trong báo cáo tài chính quý IV/2021 của CEO với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 495,4 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét hoạt động kinh doanh chính (doanh thu thuần – giá vốn hàng bán – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), thì lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính năm 2021 của CEO âm 78,9 tỷ đồng. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi của CEO vẫn khá yếu.
Về quy mô tài sản, tổng tài sản của CEO đạt 7.040,2 tỷ đồng tính tới 31/12/2021, giảm 5% so với đầu năm. Giá trị tiền và tương đương tiền đạt 309,2 tỷ đồng, tăng 35,2% nhờ lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 80 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CEO âm tới 155 tỷ đồng trong năm 2021 - trong khi năm 2020 dương 282 tỷ đồng – do sự gia tăng đột biến của của các khoản phải thu, trong khi chi phí lãi vay vẫn ở mức tương đương năm 2020.
Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp đã tăng cường vay nợ, hạn chế mua sắm tài sản và thu hồi khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Với hoạt động vay nợ, giá trị khoản mục dư nợ vay và nợ thuê tài chính của CEO ở mức 1.737,2 tỷ đồng tại 31/12/2021, chiếm 24,6% tổng nguồn vốn và gần 50% nợ phải trả.
Trong đó, giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 831 tỷ đồng tính tới 31/12/2021, tăng 56% so với đầu năm, chủ yếu là hai khoản vay tại 2 ngân hàng với giá trị lần lượt là 317 tỷ đồng và 386 tỷ đồng.
Giá trị vay và nợ thuê tài chính dài hạn ở mức 906 tỷ đồng, giảm 36% và tập trung chủ yếu tại một ngân hàng với giá trị 650 tỷ đồng. Ngoài ra, CEO có hai khoản vay dài hạn tại chi nhánh một ngân hàng khác, vay vốn qua kênh trái phiếu với giá trị lần lượt là 38 tỷ đồng và 219 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng thể hiện sự phụ thuộc vào vốn vay với số tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được và tiền chi trả nợ gốc vay, nợ thuê tài chính lần lượt ở mức 1.608,4 tỷ đồng và 1.816,9 tỷ đồng.
Liên tục bị tuýt còi về thuế và sai phạm dự án
Tháng 7/2021, Cục Thuế TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CEO Group do công ty kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng mua vào để thi công trường học thuộc dự án Khu đô thị Quốc Oai thuộc đối tượng không chịu thuế, vi phạm Thông tư 26/2015 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, CEO Group còn có hành vi vi phạm khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo quy định tại Nghị định 129/2013 của Chính phủ.
Với các hành vi trên, CEO Group bị phạt hành chính khai sai mức 20% trên số thuế tăng thêm qua kiểm tra do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là 224,5 triệu đồng. Ngoài ra, CEO Group bị buộc phải nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng còn thiếu vào ngân sách Nhà nước là 1,12 tỷ đồng và khoản tiền chậm nộp thuế 72,1 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp mà CEO Group phải nộp vào ngân sách Nhà nước là 1,42 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Dự án Khu đô thị Quốc Oai của CEO Group tên thương mại là Khu Đô thị Sunny Garden City, nằm cạnh Km14 của Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận huyện Quốc Oai.
Dự án Khu đô thị Sunny Garden City gồm khu biệt thự, khu shophouse và nhà ở xã hội. Trong đó, có khoảng 330 căn biệt thự đơn lập và song lập; 72 căn shophouse và 2 toà nhà ở xã hội cao 9 tầng với 432 căn hộ.
Trong đó 2 toà nhà ở xã hội có tên gọi Bamboo Garden, khu nhà ở xã hội này CEO Group từng gây nhiều chú ý khi rơi vào tình trạng “ế ẩm”, chủ đầu tư phải ròng rã mở bán tới 21 lần trong 5 năm mới bán hết 346 căn hộ. Tháng 9/2020, chủ đầu tư tiếp tục mở bán lần thứ 22 với 44 căn hộ cho thuê.
Ở một diễn biến liên quan, cũng trong năm 2021 Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã nêu tên của hai dự án, gồm: Dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh (xã Mê Linh, Đại Thịnh, Tráng Việt, Văn Khê; huyện Mê Linh) và dự án Khu đô thị mới Chi Đông - Dự án ĐTXD hạ tầng kỹ thuật KĐT Chi Đông (thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh); đồng thời chỉ rõ sai phạm của chủ đầu tư và liên danh chủ đầu tư là CEO Group và Công ty CP Xây dựng số 9 (Vinaconex 9). Được biết, cả hai dự án này đều thuộc Danh mục các dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát, và là 2 trong số 59 dự án chậm GPMB.
Theo dõi trên thị trường chứng khoán, có thể nói cổ phiếu CEO là một “hiện tượng lạ” đối với nhiều nhà đầu tư trong năm 2021. Cổ phiếu CEO đã tăng “dựng đứng”, trong khi kết quả kinh doanh không có nhiều ấn tượng, thậm chí là lỗ nhiều quý liên tiếp. Thậm chí cổ phiếu này còn bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ 20/4/2021 do lợi nhuận âm. Nhưng cổ phiếu CEO có lúc đạt 92.500 đồng/cổ phiếu (7/1/2022), vượt xa so với định giá do dòng tiền đầu cơ. Sau đó, cổ phiếu này biến động mạnh với nhiều phiên sàn rồi lại trần.
Diệp Vấn (T/H)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam