HOSE cho biết nguyên nhân là do Nhựa Đông Á chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Về vấn đề chậm nộp báo cáo tài chính năm 2023, Nhựa Đông Á cho biết nguyên nhân do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY - đơn vị thực hiện soát xét và kiểm toán BCTC năm 2023 là đơn vị lần đầu thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính của công ty. Do vậy, Kiểm toán UHY cần nhiều thời gian để tìm hiểu, rà soát hồ sơ.
"Bên cạnh đó, Lãnh đạo của công ty và đơn vị kiểm toán đi công tác cũng ảnh hưởng đến việc trao đổi, thống nhất số liệu", trích giải trình của Nhựa Đông Á.
Không chỉ vậy, Nhựa Đông Á cho biết thêm, Phòng kế toán của công ty có biến động nhân sự, vì vậy nên nhân sự mới chưa nắm bắt hết công việc, dẫn đến việc phối hợp với đơn vị kiểm toán còn chưa kịp thời.
Trong văn bản gửi HoSE, Nhựa Đông Á cho biết, ngay sau khi hoàn thành báo cáo tài chính, công ty sẽ nộp và công bố thông tin (dự kiến trước ngày 14/5/2024).
Bên cạnh đó, cổ phiếu DAG vẫn thuộc diện kiểm soát theo Quyết định số 720/QĐ-SGDHCM ngày 02/11/2023 của HOSE do tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi HOSE đưa chứng khoán vào diện cảnh báo theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 37 Quy chế này, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Giải trình về việc này, Nhựa Đông Á cho hay, trong thời gian qua, bộ phận kế toán của công ty mẹ và các công ty con xảy ra các biến động về nhân sự, đặc biệt là vị trí kế toán tổng hợp.
Trong khi đó, nhân sự thay thế chưa đủ thời gian nắm bắt toàn bộ công việc; công ty cũng mới chuyển đổi phần mềm kế toán mới và phần mềm gặp một số trục trặc kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi dữ liệu, vận hành. Điều đó ảnh hưởng đến công tác nhân sự, thu thập, tổng hợp dữ liệu và hoàn thiện báo cáo tài chính.
Nhựa Đông Á trình bày rõ, trong các lần chậm công bố thông tin, công ty đều có văn bản xin chậm, giải trình theo yêu cầu của HoSE và thực hiện công bố ngay sau khi hoàn thành.
Ngoài ra, công ty cho biết đã tuyển bổ sung nhân sự cho bộ phận kế toán tại công ty mẹ và các công ty con; cung cấp phần mềm kế toán tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi dữ liệu và vận hành phần mềm mới.
Về kết quả kinh doanh mới nhất, quý 1/2024, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30,3 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ở mức 41,1 tỷ đồng, giảm 92%. Kết quả, Nhựa Đông Á ghi nhận lợi nhuận gộp âm 10,7 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính "bốc hơi" gần như toàn bộ, từ 1,5 tỷ đồng còn 74,7 triệu đồng. Chi phí tài chính giảm 94% còn 1,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 93% còn 222,6 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 64% còn 2,7 tỷ đồng.
Hết quý 1/2024, Nhựa Đông Á báo lỗ 15 tỷ đồng, ghi nhận chuỗi 5 quý liên tiếp báo lỗ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Nhựa Đông Á tại ngày 31/3/2024 là 323,3 tỷ đồng.
Trích BCTC hợp nhất quý 1/2024 |
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Nhựa Đông Á cho biết nguyên nhân chủ yếu do quý I/2024, công ty không ghi nhận doanh thu không đáng kế, kéo theo các chi phí phát sinh cũng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, ngân hàng đã cơ cấu lại khoản vay cho doanh nghiệp nên đã hỗ trợ nhiều về chi phí doanh nghiệp để duy trì, phát triển. Tập đoàn đang trong giai đoạn tái cấu trúc doanh nghiệp. Vì vậy, công ty tạm dừng mọi hoạt động để sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, nhân sự và các vấn đề khác liên quan nhằm tối ưu chi phí trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Nhựa Đông Á giảm nhẹ xuống 1.736,9 tỷ đồng. Trong đó, trữ tiền giảm từ 2,6 tỷ còn 888 triệu đồng. Hàng tồn kho đi ngang, ở mức 928,4 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Nhựa Đông Á tăng 1% lên 1.392,9 tỷ đồng. Dư nợ tài chính ghi nhận 1.171 tỷ đồng, chiếm 84% nợ phải trả và gấp 3,4 lần vốn chủ (vốn chủ tại ngày 31/3/2024 là 344 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch chiều 6/5/2023, cổ phiếu DAG đang có giá 2.780 đồng/cổ phiếu/cổ phiếu, mức đáy trong vòng hơn một thập kỷ.
Cổ phiếu APH vào diện cảnh báo và giải trình của An Phát Holdings Cùng "cảnh ngộ" với APH còn có cổ phiếu SMC của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC; cổ phiếu SVD của Công ty ... |
SMC "nỗ lực" thanh lý tài sản, cổ đông lớn cũng bán sạch cổ phần Ngày 10/4 vừa qua, cổ phiếu SMC chính thức bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát bởi công ty đã ghi nhận lỗ ... |
Cổ phiếu DPC sắp bị hủy niêm yết, Nhựa Đà Nẵng mong được ‘quan tâm, tạo điều kiện’ Dù rất nỗ lực trong quý I/2024, Công ty CP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) vẫn không thoát cảnh thua lỗ. Cơ hội ở lại ... |
Linh Đan