Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tăng 4,73%, đóng cửa tại mức 27.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản bùng nổ với 73,8 triệu đơn vị được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch 2.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng một năm qua kể từ phiên 27/2/2024. Đặc biệt, hơn 22,1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh tại mức giá trần, cho thấy lực cầu mạnh mẽ từ nhà đầu tư.
![]() |
Là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát, tỷ phú Trần Đình Long hiện nắm giữ 1,65 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 25,8% vốn điều lệ |
Là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát, tỷ phú Trần Đình Long hiện nắm giữ 1,65 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 25,8% vốn điều lệ. Với cú bứt phá này, ông Long đã gia tăng khối tài sản thêm 2.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị tài sản lên 45.700 tỷ đồng.
Không chỉ ông Long, các thành viên trong gia đình cũng hưởng lợi lớn từ đà tăng của cổ phiếu. Vợ ông Long, bà Vũ Thị Hiền, sở hữu 440 triệu cổ phiếu, tài sản tăng thêm 500 tỷ đồng. Con trai ông Long, Trần Vũ Minh, nắm giữ 147 triệu cổ phiếu, giá trị tài sản tăng thêm 200 tỷ đồng.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu HPG đến ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19,38% đến 27,83%. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành 21/2 và áp dụng trong 120 ngày.
Việc áp thuế khiến thép HRC Trung Quốc giảm sức cạnh tranh đáng kể, tạo cơ hội cho Hòa Phát gia tăng thị phần và cải thiện giá bán. Hiện tại, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất HRC, với tổng công suất 8,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa lên tới 13 triệu tấn/năm.
Bên cạnh yếu tố chính sách hỗ trợ, Hòa Phát cũng đang đẩy nhanh tiến độ khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự án có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, quy mô 280 ha và công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm. Phân kỳ 1 dự kiến đưa vào vận hành trong quý I/2025, trong khi phân kỳ 2 sẽ hoàn tất vào quý IV/2025. Khi hoạt động hết công suất trong 2-3 năm tới, doanh thu của Hòa Phát có thể đạt 175.000 - 200.000 tỷ đồng/năm, với lợi nhuận sau thuế ước tính 20.000 - 25.000 tỷ đồng/năm.
Cùng với HPG, nhóm cổ phiếu thép cũng đồng loạt bứt phá trong phiên 24/2. NKG (Nam Kim) tăng 2,5% lên 14.400 đồng, HSG (Hoa Sen) bật tăng mạnh, TVN (VNSteel) và GDA (Tôn Đông Á) cũng ghi nhận mức tăng tích cực. VCA chạm trần, tăng 7% lên 11.800 đồng. Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu thép phản ánh kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào khả năng tăng trưởng của Hòa Phát và các doanh nghiệp trong ngành, trong bối cảnh nhu cầu thép phục hồi và chính sách bảo hộ được đẩy mạnh.
![]() | Doanh nghiệp "quốc dân" chốt lịch đại hội, dự báo lượng cổ đông đi họp đông như đi concert Được mệnh danh là 'cổ phiếu quốc dân', cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 sắp tới của Hòa Phát được ... |
![]() | Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng, Hòa Phát có lý do để "mừng thầm" Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá 19,38%-27,83% với thép cán nóng Trung Quốc, tạo lợi thế cho Hòa Phát (HPG). VCBS nâng ... |
![]() | Một cú bùng nổ của cổ phiếu thép phiên sáng đầu tuần Phiên sáng đầu tuần, nhóm cổ phiếu thép đồng loạt tăng mạnh sau khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá lên tới ... |
Nguyên Nam