Cổ phiếu HSG "manh nha" về lại mệnh giá

25/11/2022 - 20:38
(Bankviet.com) Tính chung, từ mức 7.350 đồng ngày 16/11, cổ phiếu HSG hiện đã tăng hơn 30%. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trong một hai phiên tới, nhiều khả năng cổ phiếu này sẽ hồi trở lại mệnh giá (10.000 đồng) sau hơn 3 tuần mất mốc này.

Cổ phiếu HSG giảm hơn 82% thị giá, liên tiếp các lãnh đạo Hoa Sen "thoát hàng"

Đầu phiên giao dịch ngày 25/11, thị trường chứng khoán ghi nhận sự hứng khở ở hầu hết các nhóm ngành, trong đó nhóm cổ phiếu thép cũng ghi dấu ấn với KVC, HLA tăng trần, HSG, TNS tăng trên 4%; NKG, VGS, HPG, SMC, NSH, TVN, TLH cũng tăng từ 2 - dưới 4%. Duy chỉ có MEL và VCA giảm sàn với thanh khoản mỗi mã chỉ 100 đơn vị.

Cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn (Hoa Sen) sau phiên tăng trần ngày 24/11 tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu phiên sáng nay với mức tăng 4% lên 9.600 đồng/cổ phiếu. Có thời điểm mã được kéo tăng cận trần lên mức 9.790 đồng.

Cổ phiếu HSG

Trước đó, chuỗi giảm điểm 9 phiên liên tiếp từ ngày 3 - 15/11 đã kéo cổ phiếu HSG từ mức 11.900 đồng về đáy 29 tháng (từ tháng 7/2020) - đóng cửa tại mức 7.350 đồng/cổ phiếu - tương ứng giảm 38%.

Trong diễn biến giảm điểm này, một số lãnh đạo tại Hoa Sen đã chủ động đăng ký bán ra cổ phiếu trong bối cảnh thị giá liên tục giảm sàn trong đó Thành viên HĐQT Đinh Viết Duy đã bán ra 50.000/120.000 cổ phiếu đang sở hữu. Tương tự, ông Trần Quốc Phẩm - Phó Tổng Giám đốc - cũng bán ra 400.000/747.000 cổ phiếu đang sở hữu chỉ cách đây ít ngày.

Ngay sau khi liên tục trượt giá và rơi về đáy, lực cầu bắt đáy mạnh nhấp cuộc đã giúp cổ phiếu HSG tăng trần liên tiếp 4 phiên sau đó (từ ngày 16 - 21/11) lên 9.610 đồng. Mã bị chốt lời mạnh 2 phiên sau đó trước khi tăng trở lại trong 2 phiên gần nhất.

Tính chung, từ mức 7.350 đồng ngày 16/11, cổ phiếu HSG hiện đã tăng hơn 30%. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trong một hai phiên tới, nhiều khả năng cổ phiếu này sẽ hồi trở lại mệnh giá (10.000 đồng) sau hơn 3 tuần mất mốc này. Dù vậy, tính từ đầu năm, cổ phiếu HSG đã giảm tới 70% thị giá từ ngưỡng quanh 31.000 (giá sau điều chỉnh).

Cổ phiếu HSG
Diễn biến giá cổ phiếu HSG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Lý giải cho sự lao dốc của cổ phiếu HSG nói riêng và nhóm thép nói chung, nguyên nhân gần nhất đến từ kết quả kinh doanh thu lỗ trong quý 3 vừa qua trong đó chỉ xếp sau Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG), việc kinh doanh dưới giá vốn (8.170 tỷ đồng) khiến tập đoàn lỗ gộp hơn 230 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Trong kỳ, HSG ghi nhận doanh thu tài chính giảm 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Các khoản chi phí hoạt động như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm so với cùng kỳ 111,5 tỷ - 662 tỷ - 104 tỷ song Tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ vẫn lỗ ròng gần 900 tỷ đồng trong quý cuối niên độ 2021 - 2022 này.

Đáng nói, đây cũng là quý đầu tập đoàn này báo lỗ kể từ mức lỗ 102 tỷ đồng trong quý 4/2018 (từ 1/7 - 30/9/2018).

Kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ 886,98 tỷ đồng

Cụ thể về kết quả kinh doanh, Hoa Sen công bố Báo cáo quý IV niên độ 2021-2022 (1/7-30/9/2022) với doanh thu đạt 7.939,12 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng, tức giảm 1.827,35 tỷ đồng.

Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 230,67 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 2.473,97 tỷ đồng, tức giảm 2.704,64 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 35,88 tỷ đồng về 97,4 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,9%, tương ứng giảm 49,86 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,8%, tương ứng giảm 621,02 tỷ đồng về 765,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù đã cố gắng tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, Hoa Sen vẫn báo lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý IV.

Được biết, quý lỗ gần nhất IV/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ 101,8 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, quy mô tài sản của Hoa Sen thời điểm 30/9/2018 là 21.205,6 tỷ đồng nhưng lỗ 101,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm 30/9/2022, quy mô tài sản là 17.023,9 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng.

Như vậy, thời điểm quý IV niên độ 2021-2022 có quy mô tài sản bằng 80,3% thời điểm quý IV niên độ 2017-2018 nhưng lỗ thì bằng 871%. Có thể thấy, thời điểm 30/9/2022 có quy mô tài sản nhỏ hơn nhưng lỗ thì lớn hơn rất nhiều thời điểm 30/9/2018.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 49.710,64 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 251,05 tỷ đồng, giảm 94,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong niên độ tài chính 2021-2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Công ty mới hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 16,7% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng). Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong quý IV, Công ty đã không thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm cho dù kịch bản lợi nhuận thấp nhất.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán