Theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong năm 2020.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là mã tăng mạnh nhất ngành ngân hàng, khởi đầu năm với mức giá 5.350 đồng/cp nhưng đến cuối năm, cổ phiếu này đã tăng lên 17.000 đồng/cp, tương ứng mức tỷ suất sinh lời gần 218%. Hiện, SHB đã kịp thời ghi nhận cho mình thêm gần 5% giá trị nữa lên 17.800 đồng/cổ phiếu.
VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng là một gương mặt gây ấn tượng với mức tăng gần 125% trong năm 2020; LPB của LienVietPostBank cũng nằm trong danh sách 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm 2020 khi tăng giá gấp 2 lần trong năm qua.
Tất nhiên, đến thời điểm hiện tại, VIB, LPB cũng đã tăng thêm cho mình vài phần trăm thị giá chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2021.
Không đạt mức tăng mạnh như VIB, LPB, SHB nhưng các cổ phiếu ngân hàng khác như TCB của Techcombank, ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, MBB của MB, CTG của Vietinbank…đã tăng thêm vài chục phần trăm giá trị trong vòng gần 1 năm qua.
Có thể thấy, vùng giá của các cổ phiếu ngân hàng đã vượt qua các đỉnh giá cũ và thông thường khi đạt được mức này sẽ có một nhịp điều chỉnh khá sâu để đưa thị giá cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên điều này dường như không đúng với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ đà tăng được duy trì là nhờ nhóm này đang được tiếp thêm nguồn mới.
Gần đây nhất là cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) vừa gây ấn tượng với giới đầu tư khi vừa mới lên sàn 9 phiên nhưng đã tăng 112,5% từ mức giá tham chiếu 16.000 đồng/cp lên 34.000 đồng/cp với 6 phiên tăng trần và 2 phiên đóng cửa trong sắc xanh, chỉ duy nhất một phiên giữ nguyên mức giá tham chiếu.
Ngày 24/3 tới, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeA Bank) cũng sẽ đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB lên niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu là 16.800 đồng/cổ phiếu. SeABank là ngân hàng thứ hai lên sàn HoSE và là nhà băng thứ ba niêm yết cổ phiếu trong năm nay.
Trước đó, gần 1,1 tỷ cổ phiếu OCB đã chính thức giao dịch trên HOSE từ ngày 28/1. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch tại mức giá 24.800 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 18,6% so với giá chào sàn.
Tính trên 25 nhà băng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán theo số liệu chốt phiên ngày 17/3, có đến 18 mã đang có thị giá cao hơn hồi đầu năm 2021 trong đó 8 mã có lợi nhuận trên 20%.
Tăng mạnh nhất là BAB, sau khi cổ phiếu này lên HNX thì đã liên tục tăng trần. So với mức giá hồi đầu năm, nhà đầu tư giữ BAB đã có lãi trên 53%. VIB và NVB cũng có lợi nhuận cao với thị giá tăng trên 40%. Đà tăng này còn đặc biệt tạo lợi thế cho các nhà băng mới niêm yết, chuyển sàn trong giai đoạn vừa qua như OCB, ABB, BAB.
Không chỉ vậy, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã cán đỉnh lịch sử ngay trong tháng 3. Đặc biệt, trong 2 phiên 15/3 và 17/3, nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử hình thành nên vùng đỉnh mới như VIB, MBB, ACB, MSB, CTG, ABB. Các mã này đều có mức tăng tốt trong phiên vừa qua. CTG vừa có phiên giao dịch với thanh khoản cao nhất lịch sử, mức giá cũng theo đó tăng vượt đỉnh cũ, cán mốc 39.550 đồng/cổ phiếu.
Trên UpCOM, ABB tăng hơn 4,1% và liên tiếp tạo đỉnh mới với thị giá 15.000 đồng/cổ phiếu sau 4 phiên tăng liên tiếp.
VIB, MBB, ACB, MSB, CTG, ABB cùng vượt đỉnh lịch sử vào phiên 17/3 (Nguồn Vneconomy.vn)
Nhiều mã khác có điều chỉnh trong vài phiên gần đây nhưng cũng đã tạo đỉnh lịch sử trong tháng 3 vừa qua như TCB, TPB đạt đỉnh trong phiên 3/3; NVB đạt đỉnh phiên 10/3; LPB đạt đỉnh phiên 12/3; phiên 15/3 có VPB, OCB, PGB và phiên ngày 16/3 là đỉnh mới của BAB. Hay như SHB cũng đang cận ngưỡng đỉnh cũ hồi tháng 1 sau 6 phiên bật tăng liên tiếp với khối lượng giao dịch mỗi phiên đều ở mức khủng so với các mã khác trên toàn thị trường.
Triển vọng kinh doanh lạc quan
Mặt bằng tăng giá chung của nhóm ngân hàng phản ánh tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư sau nhiều thông tin lạc quan về triển vọng của nhóm ngân hàng trong năm 2021.
Một số nhà băng đã rục rịch lên kế hoạch cho năm tài chính 2021 để trình lên đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới. Với mức kế hoạch hầu như đều tăng mạnh so với năm trước, ban lãnh đạo các nhà băng đã thể hiện quyết tâm trong giai đoạn mới.
Ví dụ, MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25 - 30%. Mức tăng kỳ vọng tại OCB là 15%, SHB đặt lên tới 70%…
Cùng với đó là kế hoạch cổ tức đi kèm. Nhiều mã cổ phiếu bật tăng nhờ hưởng lợi từ thông tin chia cổ tức như VIB dự chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, MSB chia tối thiểu 15%, OCB cũng dự kiến khoảng 25%, SHB dự chia 20,5%.
Trong khi đó, các tổ chức đầu tư cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu vua.
Báo cáo của JP Morgan ra ngày 20/2/2021 đánh giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhất để nắm giữ trong khu vực. Tổ chức này kỳ vọng tốc độ tăng trưởng EPS bình quân trong giai đoạn 2020 - 2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8 - 42% trong suốt năm, và có thể là cao hơn trong 3 năm tới. Do đó, mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 11% so với đầu năm (cao hơn mức tăng của VN-Index là 6%) và tăng 30% trong 3 tháng qua, ngành ngân hàng vẫn được khuyến nghị tăng tỷ trọng.
Cùng với đó, các đơn vị phân tích chứng khoán trong nước cũng đánh giá khả quan đối với nhóm ngân hàng trong năm nay. Chứng khoán BSC nhận định: "Ngành ngân hàng hiện đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ rủi ro và có thể tận dụng sự phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 để làm bàn đạp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Trải qua một năm 2020 đầy biến động, toàn ngành đã có những bước chuyển mình và chuẩn bị cho những biến động lớn tiếp theo. Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt và được kỳ vọng giữ ở mức hiện tại trong năm 2021. Nhiều ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí giúp tăng hiệu quả hoạt động.
Thêm vào đó, chất xúc tác đến từ các cổ phiếu lên sàn và chuyển sàn, bán một phần công ty con và ký hợp đồng bancassurance là những nhân tố giúp ngành ngân hàng
Đức Hậu T/H