Sau một nhịp điều chỉnh nhẹ tầm trước 10h phiên sáng, VN-Index lấy lại đà tăng khá tốt và tiếp tục duy trì diễn biến tích cực về cuối ngày. Đóng cửa, VN-Index tăng 12,39 điểm (1,01%) lên 1.240,76 điểm, HNX-Index giảm 5,47 (1,73%) xuống 309,97 điểm, UPCoM-Index giảm 1,16 điểm (1,21%) đạt 94,73 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp vào sự hồi của thị trường với tỷ lệ 0,23%. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu “vua” có phần hụt hơi so với phiên hôm qua khi toàn ngành đã xuất hiện sắc đỏ, tuy nhiên biên độ giảm không quá đáng kể.
Phiên hôm nay, trong khi nhiều mã hạ nhiệt thì cổ phiếu STB tiếp tục tăng trần phiên thứ hai liên tiếp lên 21.750 đồng/cp. Tuy nhiên, đà tăng này vẫn chưa thể bù đắp tỷ lệ giảm gần 40% từ cuối tháng 3 và STB vẫn giao dịch ở mức đáy một năm.
Điểm tích cực là cổ phiếu STB tiếp tục dẫn đầu thị trường về thanh khoản với 27,1 triệu đơn vị và còn dư mua hơn 1,2 triệu đơn vị.
Không kém cạnh, SHB cũng tăng trần lên 13.900 đồng/cp nhưng khớp lệnh khiêm tốn với 6,46 triệu đơn vị và dư mua trần tới hơn 4 triệu đơn vị.
Ngoài ra, dù không giữ được sắc tím, nhưng LPB và TCB cũng duy trì đà tăng tốt 5,7% và 3,4% lên tương ứng 14.800 đồng/cp và 36.050 đồng/cp. Giao dịch quanh biên độ 1 - 2% còn có nhiều bluechip khác như CTG, MBB, BID và MSB.
Trong khi đó, 4 mã VPB, VCB, ACB và TPB lại chuyển sắc từ xanh sang đỏ, đáng kể nhất là cổ phiếu TPB giảm 2,4% xuống 32.200 đồng/cp.
Biến động giá cổ phiếu ngân hàng phiên 18/5/2022
Xét về thanh khoản, dường như nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào đà tăng vào đà tăng nên mua thăm dò là chủ yếu. Thanh khoản ngành ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ xuống còn hơn 2.800 tỷ đồng nhưng vẫn dẫn đầu thị trường.
Trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như CTG (800.000 cp), HDB (680.000cp), SSB (418.000 cp), OCB (40.000 cp),…
Trong đó, nhóm này đã bước sang phiên mua ròng thứ tư liên tiếp tại cổ phiếu HDB của HDBank với tổng khối lượng lũy kế đạt gần 1,8 triệu đơn vị.
Tương tự, khối ngoại cũng gom ròng cổ phiếu OCB trong 4 phiên liên tiếp với tổng khối lượng gần 392.000 cổ phiếu. Qua đó, đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên sát mức tối đa 22%. Trước đó, ngân hàng khóa room ngoại ở mức 22% vào tháng 7/2021 - một động thái được đánh giá là tín hiệu mở đường cho việc tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
CTCK Tân Việt (TVSI): Áp lực điều chỉnh xuất hiện
Theo kinh nghiệm của TVSI, khi thị trường phái sinh bớt sôi động đi thì cơ hội hồi phục với thị trường cơ sở sẽ rõ rệt hơn. Phiên giao dịch ngày 19/5, áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện và chỉ phù hợp mua gia tăng trạng thái với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu rất thấp trong tài khoản (< 50% tài sản).
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Đà tăng cần kiểm chứng
Diễn biến của VN-Index ngày 18/5 hình thành nên cây nến Doji, cho thấy thị trường đang có sự lưỡng lự. Thêm vào đó, khối lượng giao dịch vẫn còn khiêm tốn, chưa thấy được động lực cho đà tăng điểm. Đà tăng của thị trường vẫn phải chờ kiểm chứng thêm từ một đên hai phiên giao dịch nữa.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Áp lực bán cắt lỗ vùng 1.260 - 1.280 điểm
VN-Index ghi nhận một nhịp tăng điểm tích cực trong phiên trước khi dần suy yếu và hình thành mẫu nến doji trung tính về cuối phiên.
Áp lực chốt lời ngắn hạn quanh vùng kháng cự gần 1.260 đã khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên. Mặc dù vậy, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục của VN-Index vẫn đang có phần chiếm ưu thế với vùng hỗ trợ gần quanh 1.21x, tương ứng với đường MA5.
Hoàng Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam