Trước những lo ngại từ việc giảm lãi suất cho vay và diễn biến nợ xấu, cổ phiếu nhóm ngân hàng trải qua quý điều chỉnh mạnh nhất từ đầu năm. So với mức đỉnh đầu tháng 7, nhiều mã giảm 25-30% giá trị. Đơn cử, thị giá VIB giảm gần 30% trong quý III và là về mức thấp nhất trong 6 tháng gần đây.
CTG của VietinBank cũng giảm 25% trong quý và tiếp tục giảm trong phiên đầu tháng 10, xuống dưới 29.750 đồng/cp. Một số mã khác như EIB giảm 22%, LPB giảm 19%, BID, VCB giảm 16,5%, STB giảm 16%.
Số ít cổ phiếu giữ được đà tăng, đi ngược dòng nhờ câu chuyện riêng như NVB tăng 40% sau khi có thông tin một số lãnh đạo của Sun Group tham gia vào ngân hàng. TPB tăng thị giá 13% khi có thông tin phát hành riêng lẻ và nhóm cổ đông ngoại mua cổ phần ….
Trong phiên đầu tháng 10, NVB và TPB tiếp tục là 2 điểm sáng của nhóm ngân hàng khi tăng lần lượt 7% và 2,4%, dừng ở mức 29.000 đồng/cp và 42.600 đồng/cp. SSB giữ tham chiếu có giá 35.850 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng từ đầu quý III (Nguồn: TradingView)
23 cổ phiếu ngân hàng khác đều giảm giá. STB dẫn đầu giảm 3,9% xuống 24.700 đồng/cp, LPB giảm 3,5%, EIB giảm EIB, OCB, VIB, VPB giảm 3-3,1%. Một số mã khác như MSB giảm 2% còn 28.600 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại đều giảm 1-1,9%, TCB và BID giảm 0,3 - 0,5%. Về khối lượng, STB cũng giữ ngôi đầu với 24 triệu đơn vị được "trao tay", theo sau là TPB với 14 triệu đơn vị. Các mã khác như MBB, CTG, SHB giao dịch 12-13 triệu đơn vị. Phần lớn các mã ngân hàng đều được khối ngoại bán ròng trong phiên đầu tháng 10. VCB bị bán ròng 900.000 đơn vị, MBB hơn 700.000 cổ phiếu...
Một số CTCK vẫn có góc nhìn lạc quan về cổ phiếu ngân hàng. CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định sau thời gian điều chỉnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn, trong đó VDSC vẫn đánh giá tích cực về triển vọng của một số ngân hàng trong năm 2022.
Việc điều chỉnh "room" tín dụng sẽ là yếu tố hỗ trợ. Tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới. Do đó, VDSC cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp VN-Index.
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, Chứng khoán VNDirect cho rằng hiện nay là thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngân hàng. Việc giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh trong thời gian qua, theo VNDirect, phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Vì vậy cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam