Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đã đưa ra nhận định tích cực về diễn biến tín dụng và triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III và dự báo cho quý IV/2024. Theo đó, tín dụng đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt từ nhu cầu gia tăng của khách hàng bán lẻ khi lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp và ổn định.
Trong quý IV, HSC dự báo rằng các ngành trọng điểm, đặc biệt là ngân hàng, vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột nhờ tỷ lệ vốn hóa cao và nhu cầu tín dụng ổn định |
Theo các chuyên gia của HSC, GDP trong quý III/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất (tăng 11,4%) và dịch vụ (tăng 7,5%). Ngược lại, do tác động của bão Yagi, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,58%, mặc dù chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn (10,4%) trong cơ cấu GDP. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 9 tháng đầu năm tăng 8,9%, với ngành sản xuất chiếm tỷ lệ lớn (80,5%).
Báo cáo của HSC cũng dự báo, GDP trong quý IV có thể tăng 6,5%, thấp hơn mục tiêu từ 7,6-8% của Chính phủ, kéo theo tốc độ tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,68%, dưới mục tiêu ban đầu trên 7%. Để đạt được mức tăng trưởng ổn định, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ, đặc biệt là khu vực nông nghiệp tại miền Bắc.
Một điểm sáng khác được HSC nhấn mạnh là sự cải thiện rõ rệt trong tăng trưởng tín dụng quý III, nhờ vào nhu cầu vay tăng lên từ khách hàng bán lẻ khi lãi suất cho vay giữ ở mức thấp và ổn định. Tính đến hết 9 tháng, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9%, và mục tiêu tiếp tục tăng thêm từ 5-5,5% trong quý IV được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Về thị trường chứng khoán, các chuyên gia của HSC nhận định rằng dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra đột phá, do bị phân tán sang các kênh đầu tư tài sản khác, trong khi thị trường chứng khoán quốc tế có sức hấp dẫn cao. Tuy nhiên, sức mua từ các nhà đầu tư trong nước vẫn đủ khả năng hấp thụ lượng bán ròng từ khối ngoại.
Mặc dù vậy, các chỉ báo ngắn hạn cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu suy giảm, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động khó lường. So với các thị trường lớn trong khu vực châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn gặp một số thách thức về vốn hóa và khả năng cạnh tranh.
Các chuyên gia từ HSC cũng đề cập đến rủi ro địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng tại Đông Âu, Trung Đông và Biển Đông, tiềm ẩn nhiều bất ổn và có thể tác động đến tài chính toàn cầu cũng như Việt Nam. Xu hướng gia tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới trong giai đoạn 2024-2025 là một dấu hiệu cần theo dõi, cho thấy nguy cơ căng thẳng kéo dài.
Trong quý IV, HSC dự báo rằng các ngành trọng điểm, đặc biệt là ngân hàng, vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột nhờ tỷ lệ vốn hóa cao và nhu cầu tín dụng ổn định. Các ngành như công nghệ thông tin, viễn thông và dầu khí cũng được đánh giá tích cực nhờ nhu cầu nội địa ổn định và xu hướng phát triển bền vững của các công nghệ mới.
Nhìn chung, dù thị trường chứng khoán vẫn đối mặt với không ít thách thức, nhưng triển vọng của các ngành trụ cột, đặc biệt là ngân hàng, vẫn mang đến cơ hội tăng trưởng cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
Dự án nằm chờ 7 năm của Đất Xanh "thức giấc", BSC kỳ vọng cổ phiếu DXG tăng hơn 35% Cổ phiếu DXG tăng kịch trần lên 16.100 đồng phiên 17/10 nhờ hiệu ứng tích cực từ việc dự án DXH Riverside hoàn tất pháp ... |
BSC dự báo những cổ phiếu hút mạnh tiền trong thời gian tới, toàn các "ông lớn" góp mặt Chứng khoán BSC dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh trong quý IV/2024, tăng 16-20% nhờ nền thấp năm trước, doanh thu ... |
Cổ phiếu dầu khí PVS được khuyến nghị tích luỹ nhờ câu chuyện điện gió ngoài khơi Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị tích lũy cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 42.300 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng 11% nhờ tiềm năng ... |
Linh Đan