Phiên giao dịch sáng ngày 20/9, cổ phiếu BMP của Công ty CP Nhựa Bình Minh tiếp tục diễn biến tích cực khi sớm tăng hơn 1% ngay khi vừa mở cửa thị trường. Phiên trước đó 19/9, BMP thậm chí còn có cho mình mức tăng trần. Thị giá hiện tại của cổ phiếu đầu ngành nhựa này cũng đang ở mức đỉnh lịch sử. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng vọt lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.
Đáng chú ý, tạm tính thì BMP đã tăng 8 trong 9 phiên giao dịch gần nhất, tích luỹ tổng cộng mức tăng gần 20% và đưa thị giá từ 102.600 đồng lên mức cao nhất từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM hồi năm 2006. So với vùng giá 109.000 đồng vào đầu năm nay, thị giá BMP đã tăng tới hơn 12%.
Tạm tính thì BMP đã tăng 8 trong 9 phiên giao dịch gần nhất |
Vùng giá hiện tại của BMP thậm chí còn đang cao hơn dự phóng theo kịch bản lạc quan của nhiều nhóm phân tích. Điển hình, Chứng khoán KB Việt Nam vào giữa tháng 8 cho rằng, giá mục tiêu của cổ phiếu BMP trong vòng một năm tới là 118.500 đồng, tăng 15% so với thời điểm nhóm này đưa ra dự báo.
KBSV chỉ ra 3 điểm nhấn để khuyến nghị mua gồm sản lượng tiêu thụ dần phục hồi trong giai đoạn nửa cuối năm, kỳ vọng biên lãi gộp duy trì ở mức cao và tỷ suất cổ tức hấp dẫn.
Đáng nói, trạng thái hưng phấn của cổ phiếu BMP kéo dài dù doanh nghiệp đang trong vùng trống thông tin.
Thông tin gần nhất được doanh nghiệp này công bố vào đầu tháng 8 về kết quả kinh doanh bán niên. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.156 tỷ đồng, giảm 22,3% (tương ứng 620 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp hơn 930 tỷ đồng, giảm 17,5% so với mức 1.127 tỷ đồng ở nửa đầu năm 2023. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, công ty báo lãi sau thuế đạt 470 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
So với kế hoạch doanh thu cả năm 5.540 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.030 tỷ đồng, Nhựa Bình Minh lần lượt hoàn thành 39,4% và 45,6% mục tiêu sau nửa đầu năm.
Trước đó, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên, Ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết ngành nghề kinh doanh của công ty liên quan mật thiết với thị trường bất động sản và xây dựng. Do đó, nếu hai lĩnh vực này khởi sắc, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty sẽ tốt hơn.
Ban lãnh đạo cho biết công ty đang đứng trước thách thức hoàn thành nhiệm vụ cả năm, nên kết quả khó tăng vọt. "Kết quả quý 1/2024 chưa đạt kế hoạch, nhưng quý 2 có tín hiệu tích cực. Hy vọng chúng ta sẽ đạt được kế hoạch năm trong 6 tháng cuối năm", Ban lãnh đạo chia sẻ.
Công ty dự kiến kế hoạch cổ tức cho năm 2024 là tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó, tỷ lệ thực hiện cổ tức năm 2023 là 126%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 12.600 đồng. Công ty đã thực hiện hai đợt chia cổ tức với tỷ lệ lần lượt là 65% và 61%. Theo ban lãnh đạo, đây là mức rất khả quan trong khi các công ty khác vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tổng tài sản của Nhựa Bình Minh tính đến cuối quý 2 đạt 3.085 tỷ đồng, giảm khoảng 170 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 2.467 tỷ đồng (tương ứng 80%).
Công ty đang có nợ phải trả khoảng 434 tỷ đồng, giảm 23% so với mức 565 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đến 96%, tương ứng 416 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện đạt khoảng 2.651 tỷ đồng.
Cổ phiếu BMP vọt tăng, niềm vui cho người TháiCổ phiếu BMP tăng mạnh, vui nhất đương nhiên là Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan khi “đại gia” này đang chi phối đến 55% vốn của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con Nawaplastic. Tập đoàn này bắt đầu trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp đầu ngành nhựa Việt Nam từ đầu tháng 3/2012 và không ngừng mua gom. Sau khi “ôm” trọn lô cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018, SCG đã chính thức thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh. Tổng số tiền “đại gia” Thái Lan chi ra cho thương vụ này ước tính vào khoảng 2.800 tỷ đồng. Đến nay, khoản đầu tư này của SCG đã có giá trị thị trường lên đến gần 5.500 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi gần 2.700 tỷ. Không những thế, SCG còn “vớ bẫm” cổ tức từ Nhựa Bình Minh. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào doanh nghiệp này quên chia cổ tức bằng tiền. Năm 2023, doanh nghiệp chia cổ tức kỷ lục với tỷ lệ 126% bằng tiền như đã nói ở trên. Và cổ đông đến từ Thái Lan bỏ túi gần 570 tỷ đồng. Ước tính, tổng số tiền cổ tức SCG thu về từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh đã lên đến gần 2.100 tỷ đồng. |
Lãi chạm đáy 6 quý, Nhựa Bình Minh (BMP) sắp “chữa lành” cho cổ đông bằng cổ tức "khủng" Trong nhiều năm trở lại đây, Nhựa Bình Minh (BMP) gần như đem toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm để chi trả cổ ... |
Cuộc đua song mã của 2 ông lớn ngành nhựa NTP và BMP Bất chấp thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh cùng tâm lý chung của nhà đầu tư còn chịu nhiều bất ổn, cổ phiếu ... |
Fed hạ lãi suất, chứng khoán phiên 19/9 giữ sắc xanh, HNG cùng HBC đáng chú ý Đón nhận thông tin quan trọng từ động thái của FED, thị trường chứng khoán giữ được sắc xanh, tuy nhiên thanh khoản lại sụt ... |
Nguyên Nam