Phiên giao dịch sáng ngày 8/11, cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UpCOM) bất ngờ bật tăng mạnh lên mức giá trần (+14,29%), thị giá đạt hơn 151 nghìn đơn vị. Cổ phiếu TAR hiện đang nằm trong diện hạn chế giao dịch, chỉ được mua bán vào phiên thứ Sáu cuối tuần và thường xuyên ghi nhận giảm điểm.
Cổ phiếu TAR bất ngờ tăng kịch trần sau chuỗi giảm điểm dài trước đó |
Được biết, cổ phiếu TAR của Trung An niêm yết sàn HNX từ ngày 20/2/2019 với giá tham chiếu 12.600 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh). Tuy nhiên, đơn vị này đã bị hủy niêm bắt buộc vào ngày 21/5/2024. Nguyên do bị hủy niêm yết là báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến. Sau đó, TAR đã trở lại giao dịch trên UPCoM từ ngày 31/5 và duy trì xu hướng giảm điểm cho tới phiên hôm nay.
Thông tin mới nhất tại doanh nghiệp, ngày 6/11/2024, đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước đã đến thăm và làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến chính sách tín dụng.
Buổi làm việc tại Trung An, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay đều phải đầu tư xây dựng nhà máy, kho chứa, máy móc, thiết bị (do hiện nay làm liên kết với các hợp tác xã nên cần cả máy sấy lúa), nếu không thì sẽ không thể hoạt động được, không có gạo để xuất khẩu. Bởi vậy, nhu cầu chính của các doanh nghiệp nói chung, Trung An nói riêng, là rất cần nguồn vốn.
"Nguồn vốn lưu động thì doanh nghiệp dễ sắp xếp, nhưng vốn trung và dài hạn thì khó khăn hơn. Vốn ngắn hạn để doanh nghiệp có nguồn thanh toán tiền lúa cho nông dân; vốn trung, dài hạn để đầu tư máy sấy lúa, kho chứa lúa, cơ cấu thời hạn trả nợ. Cái cần của doanh nghiệp bây giờ là vốn trung và dài hạn", Tổng giám đốc Công ty Trung An nói về nhu cầu chính của doanh nghiệp hiện nay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú (áo xanh bên phải) thăm và làm việc với Trung An (ông Phạm Thái Bình, chủ tịch công ty Trung An, bên trái) |
Cũng theo ông Phạm Thái Bình, Đề án 1 triệu ha lúa là rất lớn, khi triển khai thành công thì sẽ nhân rộng mô hình ra 1 triệu ha, 2 triệu ha. Trong điều kiện nguồn vốn được đáp ứng, vừa vay vốn ngắn hạn vừa vay vốn trung, dài hạn, thì chỉ cần các ngân hàng cho vay 4-5 tỷ USD, tất nhiên không phải vay ngay một lúc, mà từ nay đến năm 2030 có dự án nào thì cho vay dự án đó, thì riêng ngành lúa gạo sẽ không chỉ mang về 4,6 tỷ USD như hiện nay (kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước năm 2023) mà đảm bảo sẽ thu về 10 tỷ USD.
"Ngân hàng cho vay thôi, nhưng đất nước lại có thể thu về được luôn 10 tỷ USD xuất khẩu. Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành lúa gạo, tôi đảm bảo điều đó", ông Bình khẳng định với đoàn công tác.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện doanh nghiệp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, các doanh nghiệp nếu cần vốn trung hạn thì sẽ được ngân hàng đáp ứng nhu cầu đầy đủ. Hiện tại Agribank đang thực hiện thí điểm, sẽ lấy đây (ý nói công ty Trung An) là một điểm thí điểm về cho vay trung dài hạn. Agribank sẽ là đầu mối để kêu gọi đồng tài trợ, cùng với ít nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, cùng vào cuộc và NHNN sẽ có chỉ đạo cụ thể sau Hội nghị ngày 7/11.
Song song đó, Phó Thống đốc cũng bổ sung, Trung An là một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu gạo, mang ngoại tệ về cho đất nước, lại là doanh nghiệp đại chúng thì cần kêu gọi thêm vốn cổ phần, thay vì chỉ tập trung vay ngân hàng như hiện nay...
Buồn của Gạo Trung An (TAR): Ngành nông nghiệp đang lên hương thì nhận tin hủy niêm yết Gạo Trung An huỷ niêm yết trong bối cảnh ngành gạo đạt được nhiều thành tựu nổi bật với những con số tăng trưởng ấn ... |
Cổ phiếu Gạo Trung An (TAR) được giao dịch trên UPCoM từ 31/5 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho hơn 78,3 triệu cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công ... |
Lỗ sâu hơn sau soát xét, Gạo Trung An (TAR) tiếp tục bị kiểm toán "lắc đầu" Tại báo cáo soát xét bán niên của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UPCoM: TAR), đơn vị kiểm toán từ ... |
Nguyên Nam