Cổ phiếu VCA bị đưa vào diện cảnh báo

17/02/2023 - 00:06
(Bankviet.com) Ngày 15/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp Hồ Chí Minh (HoSE) đã có quyết định đưa vào diện cảnh báo đối với cổ phiếu VCA của Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel.

Theo đó, cổ phiếu VCA bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 22/2/2023 theo Quyết định số 53/QĐ-SGDHCM ngày 15/2/2023 do lợi nhuận sau thuế năm 2022 của doanh nghiệp này là âm 5,89 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 là âm 2,41 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Cổ phiếu VCA bị đưa vào diện cảnh báo
Cổ phiếu VCA vào diện cảnh báo từ ngày 22/2

Trước đó, ngày 14/2, HOSE thông báo bổ sung cổ phiếu VCA vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Theo thông báo, HOSE cho biết, cổ phiếu VCA không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin) do lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2022 là số âm.

Theo BCTC đã công bố, Thép Vicasa - Vnsteel ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 2.335 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Dù đã có lãi trở lại trong quý 4, tuy nhiên với mức thua lỗ nặng trong quý 3/2022, Thép Vicasa vẫn lỗ sau thuế gần 6 tỷ đồng, đây là khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Công là 371 tỷ đồng, giảm 36% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, khoản hàng tồn kho đạt 195,7 tỷ đồng, chỉ bằng 55% con số đầu năm, khoản tài sản cố định giảm 18% xuống 42,2 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty giảm 45% về 186,5 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 152,3 tỷ đồng, giảm 37%. Tổng nợ phải trả giảm 45%, xuống còn 187 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của VNSteel, Phó Tổng giám đốc Lê Văn Thanh cho biết thị trường thép năm nay biến động khó lường cùng với tín dụng thắt chặt, tỷ giálãi suất tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn.

“Diễn biến thị trường thép phát sinh những biến động bất ngờ thậm chí trái thông lệ. Giá các mặt hàng năng lượng (xăng dầu, khí đốt) và các mặt hàng nguyên vật liệu chính dùng cho sản xuất thép (than, quặng sắt, thép phế…) đột ngột tăng cao trong giai đoạn đầu năm”, VNSteel cho biết.

Năm 2023 được dự báo tiếp tục là một năm thách thức đối với ngành thép. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn của ngành có thể kéo dài đến hết quý 2/2023. Nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản. Mặt khác, nhu cầu từ kênh hộ gia đình (từng có khả năng phục hồi tốt hơn) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã đánh giá về tiềm năng đầu tư nhóm cổ phiếu thép năm 2023. Với diễn biến giá thép tăng mạnh nhưng tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép lại không còn nhiều, ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết, điều ông quan tâm hơn là xu hướng lợi nhuận của các doanh nghiệp có đang tích cực lên hay không, khi đó sức giá quay trở lại theo sự tích cực này là điều hợp lý.

Với những doanh nghiệp thép không thể mở rộng thêm quy mô, ông Hoàng nhận định lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố là giá cổ phiếu, tỷ giá và lãi suất, quy mô thị trường (lượng tiêu thụ).

Trong đó, giá tăng đã giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép tăng dần trở lại. Yếu tố thứ hai là tỷ giá đã ổn định và ngày càng giảm. Yếu tố thứ ba ông Hoàng cho rằng cần quan tâm là lượng tiêu thụ của doanh nghiệp có thể quay trở lại hay không, điều này phụ thuộc vào các thị trường như Trung Quốc, thị trường bất động sản Việt Nam, hoạt động đầu tư công,...

Ông Hoàng nhận định, "tất nhiên khi tồn kho đã giảm xuống mà giá quay lên thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt một phần, nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận điều này vì không thể ôm hàng để đợi, khi đó còn rủi ro hơn vì hoạt động sản xuất bị dừng lại. Do đó điều cần quan tâm là liệu lợi nhuận đã tạo đáy hay chưa và có thể tăng trưởng hay không".

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán