Cổ phiếu vừa mua đã rơi 20%: Gồng tiếp hay "xuống tàu" ngay?

24/05/2025 - 15:57
(Bankviet.com) Nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh “mua xong là lỗ”, nhưng không biết nên giữ tiếp hay cắt cổ phiếu. Đừng để cảm xúc dẫn dắt, quan trọng là biết hành động đúng và đúng lúc.
Kinh nghiệm lên sàn

Cổ phiếu vừa mua đã rơi 20%: Gồng tiếp hay "xuống tàu" ngay?

Sơn Tùng 24/05/2025 08:23

Nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh “mua xong là lỗ”, nhưng không biết nên giữ tiếp hay cắt cổ phiếu. Đừng để cảm xúc dẫn dắt, quan trọng là biết hành động đúng và đúng lúc.

Bạn vừa mua một cổ phiếu, chưa đầy vài tuần sau đã thấy tài khoản đỏ 20%. Không ai nói ra, nhưng đây là trải nghiệm đau đầu mà hầu như nhà đầu tư nào cũng từng gặp. Cảm xúc lúc này là hỗn độn: tiếc tiền, hoang mang, bán thì sợ sai, giữ lại thì lo lỗ thêm. Trong khi đó, thị trường thì cứ lạnh lùng trôi đi, không quan tâm bạn đang nghĩ gì. Vậy trong tình huống ấy, nên gồng tiếp hay xuống tàu ngay?

trader _
"Mua xong lỗ" là tình trạng phổ biến trên thị trường chứng khoán

Trước hết, đừng để sự tiếc nuối chi phối. Khoản lỗ đã xảy ra là một thực tế không thể thay đổi. Điều bạn cần làm không phải là “cứu vãn quá khứ” mà là hành động để kiểm soát tương lai. Và điều đầu tiên bạn nên làm là đặt lại một câu hỏi tưởng chừng đơn giản: Nếu hôm nay bạn chưa sở hữu cổ phiếu này, bạn có mua nó ở mức giá hiện tại không?

Nếu câu trả lời là “không”, thì bạn đang giữ cổ phiếu chỉ vì bạn đã mua nó - một sai lầm tâm lý phổ biến gọi là hiệu ứng sở hữu. Nhà đầu tư có xu hướng đánh giá cao những gì mình đang nắm giữ, kể cả khi chúng không còn phù hợp.

Tiếp theo, hãy kiểm tra lại lý do bạn mua cổ phiếu. Bạn mua vì kỳ vọng vào báo cáo tài chính quý? Vì doanh nghiệp đang mở rộng thị phần? Hay đơn giản là theo “room” nào đó? Nếu lý do ban đầu không còn đúng - ví dụ doanh nghiệp ra tin xấu, dòng tiền bị rút mạnh, hay cả thị trường bước vào nhịp điều chỉnh sâu - thì việc giữ lại sẽ chỉ kéo dài nỗi lo và rủi ro.

Ngược lại, nếu bạn mua vì câu chuyện dài hạn, doanh nghiệp vẫn giữ vững nền tảng cơ bản, và cổ phiếu giảm do thị trường chung điều chỉnh, thì chưa chắc đã cần vội bán. Tuy nhiên, kể cả như vậy, việc xem lại mức giải ngân và tỷ trọng đầu tư vẫn rất cần thiết. Nếu cổ phiếu đang chiếm tỷ trọng lớn và làm bạn mất ngủ, việc hạ bớt tỷ trọng để giảm áp lực tâm lý là hành động khôn ngoan.

Một nguyên tắc cốt lõi mà nhà đầu tư nên ghi nhớ: luôn xác định trước mức cắt lỗ khi vào lệnh. Nếu bạn không xác định trước mức dừng, bạn sẽ dễ bị cuốn theo cảm xúc khi giá giảm. Nhiều người từng lỗ 10% nhưng không bán, rồi thành 20%, rồi 30%, và sau đó... mất luôn niềm tin.

Tỷ lệ cắt lỗ phổ biến là 7-10%, tùy khẩu vị rủi ro và mức độ tin tưởng vào phân tích ban đầu. Khi đã vượt mức 20%, bạn không còn đang “chờ cổ phiếu hồi” - bạn đang gánh hậu quả của việc không có kế hoạch thoát lệnh.

Dĩ nhiên, không có câu trả lời tuyệt đối đúng cho tất cả. Nhưng giữ lại vì lý do hợp lý thì còn có thể kỳ vọng, còn giữ lại chỉ vì tiếc tiền thì thường chỉ khiến bạn mất thêm. Và quan trọng hơn, trong đầu tư, bạn không cần đúng mọi lúc, bạn chỉ cần giữ được vốn để đầu tư tiếp.

Cắt lỗ không phải là thất bại. Nó là chi phí để học cách đầu tư bài bản hơn, là cách bạn bảo vệ tài khoản và cơ hội quay lại thị trường trong trạng thái tốt hơn.

Sơn Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán